Việt Nam sẽ quan trắc tự động thuỷ ngân trong không khí

Thứ hai - 11/03/2024 00:37
Dự kiến từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ mở rộng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, trong đó thí điểm bước đầu thiết lập mạng lưới quan trắc thủy ngân tự động trong không khí.
Việt Nam sẽ quan trắc tự động thuỷ ngân trong không khí

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 phê duyệt quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu nhằm xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, tiên tiến hiện đại, giám sát được các khu vực trọng yếu có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao; tăng cường tính liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; bảo đảm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; đáp ứng yêu cầu về cung cấp, công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cho công tác cảnh báo, dự báo môi trường.

Một trong những nội dung của quy hoạch là hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc không khí. Cụ thể từ nay đến 2030 sẽ duy trì 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được vận hành, hoàn thành đầu tư, lắp đặt 18 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đang được triển khai tại các vị trí quan trắc được kế thừa từ quy hoạch trước.

Tiếp tục đầu tư, bổ sung mới để hoàn thiện 31 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục trên cả nước, trong đó bao gồm 6 trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí nền tại 6 vùng kinh tế - xã hội.

Thiết lập, hoàn thiện mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ trên cả nước, trong đó tập trung vào các vùng phát triển kinh tế xã hội quan trọng, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, đảm bảo việc đánh giá tác động tới môi trường không khí tại các khu vực phát triển công nghiệp và đông dân cư. Đặc biệt sẽ bước đầu thiết lập mạng lưới quan trắc thủy ngân tự động trong không khí.

Dự kiến đến năm 2050 sẽ tăng cường đầu tư, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục, áp dụng các công nghệ quan trắc mới hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục.

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống.

Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí nhận định, ô nhiễm không khí của Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn, loại bụi được gọi là tử thần trong không khí, có khả năng đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về tim mạch, hô hấp. Bên cạnh bụi mịn, nhiều chất gây ô nhiễm khác cũng xuất hiện trong không khí. Đáng lưu ý, Việt Nam cũng có nguy cơ ô nhiễm thủy ngân trong không khí khi nằm gần Trung Quốc, một trong những quốc gia có nguồn phát thải thuỷ ngân lớn trên thế giới.

Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường là vấn đề rất quan trọng, góp phần giúp Việt Nam có dữ liệu đủ độ tin cậy để triển khai các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Nguồn tin: tienphong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây