Trách nhiệm của doanh nghiệp nông nghiệp đối với bảo vệ môi trường

Thứ ba - 14/02/2023 21:52
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố vừa ràng buộc, vừa tự ý thức thực hiện trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện, ắt sẽ tự đào thải.
Trách nhiệm của doanh nghiệp nông nghiệp đối với bảo vệ môi trường

Vấn nạn ô nhiễn trong nông nghiệp

Căn cứ pháp lý

Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020. Liên quan đến bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 61, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ban Quản lý Khu kinh tế giới thiệu đến các doanh nghiệp một số nội dung chính như:
*Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón trong sản xuất nông nghiệp phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
*Hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có độc tính cao, bền vững, lan truyền, tích tụ trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải được đăng ký, kiểm kê, kiểm soát, quản lý thông tin, đánh giá, quản lý rủi ro và xử lý theo quy định của pháp luật.

*Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng phải được quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Bao bì đựng phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải. Bùn nạo vét từ kênh, mương, công trình thủy lợi phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế và quản lý theo quy định của pháp luật. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được thu gom, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh.
*Phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom để sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất phân bón, sản xuất năng lượng hoặc phải được xử lý theo quy định; không đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng gây ô nhiễm môi trường.
*Việc sử dụng chất thải từ hoạt động chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.
*Nhà nước có chính sách khuyến khích đổi mới mô hình, phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sản phẩm xử lý môi trường trong nông nghiệp; phát triển mô hình nông nghiệp thân thiện môi trường.
*Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.


Hiểu rõ ý thức và trách nhiệm

Kinh tế - xã hội phát triển đang có những tác động ngược trở lại môi trường, một trong những minh chứng là ô nhiễm không khí, thiên tai, bão lũ,… vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường dần trở nên ngày càng cấp bách với con người. Đối với doanh nghiệp, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ nền tảng của sự tồn tại và phát triển của bản thân doanh nghiệp. 
 

Trách nhiệm của doanh nghiệp nông nghiệp đối với bảo vệ môi trường

Nông nghiệp sinh thái gắn với bảo vệ môi trường- xu hướng tất yếu

Vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có xu hướng được gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp là yếu tố vừa ràng buộc, vừa là tự ý thức thực hiện trong quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Môi trường tồn tại với các yếu cân bằng là điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Dưới áp lực của cạnh tranh, nhu cầu mở rộng quy mô, tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động, doanh nghiệp đứng trước thách thức lớn trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Việc thực hiện các dự án bảo vệ môi trường như trồng rừng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, các giải pháp kỹ thuật nhằm xây dựng mô hình thân thiện môi trường như mô hình khu công nghệ cao, tiết kiệm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách khôn ngoan để có thể đảm bảo mức tiêu thụ thấp, mức tái chế cao, quản lý hiệu quả sản phẩm phụ và chất thải từ sản xuất, đầu tư vào các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng nhãn sinh thái,… là những hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực mà doanh nghiệp nên cân nhắc và đầu tư.
Theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 26000 về trách nhiệm xã hội, nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường, bao gồm 4 tiêu chí: Phòng ngừa ô nhiễm; sử dụng tài nguyên bền vững; giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và khắc phục môi trường sống tự nhiên. 

Xu hướng tất yếu: Không tuân thủ sẽ bị đào thải
Hiện nay, trong thực tế các doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu đang triển khai thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với môi trường thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động sản suất, kinh doanh sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Trong những năm gần đây, chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn đang là hướng đi mới trong phát triển ngành nông nghiệp để góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ sẽ giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm bớt sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. 
 

Trách nhiệm của doanh nghiệp nông nghiệp đối với bảo vệ môi trường

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường, các doanh nghiệp cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Chủ động xây dựng các đánh giá về khả năng tác động của dự án đối với môi trường, thể hiện rõ qua trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi triển khai các dự án đầu tư. Đây là biện pháp chủ động nhằm phát hiện các yếu tố có khả năng gây nguy hại tới môi trường và đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, xử lý chất thải và khắc phục sự cố môi trường. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đánh giá và phê duyệt trước khi triển khai dự án.
 Xin cấp giấy phép môi trường, tức là doanh nghiệp cần phải xin phép cơ quan Nhà nước và chỉ được thực hiện khi được cơ quan Nhà nước cấp phép đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp không bị hạn chế, nhưng việc xin cấp phép là nhằm đảm bảo yếu tố quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp và tổ chức cá nhân liên quan đến các yếu tố môi trường. Việc cung cấp thông tin sẽ được thực hiện bằng hình thức cung cấp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu, và hình thức công khai thông tin về môi trường theo quy định trên cổng thông tin của cơ quan, tổ chức hoặc bằng hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm lập và gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm của doanh nghiệp nông nghiệp đối với bảo vệ môi trường

 

Nông nghiệp thông minh sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường

Có giải pháp phòng ngừa sự cố, ứng phó với sự cố về môi trường. Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường. Doanh nghiệp gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường; Và phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở của mình.
 Thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Doanh nghiệp gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Thực hiện trách nhiệm về nộp phí bảo vệ môi trường, kỹ quỹ bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Hiện nay, trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, trở thành một tất yếu mà tất cả chúng ta sẽ phải theo. Doanh nghiệp nào không chuẩn bị đón nhận và không sẵn sàng đón nhận thì sẽ bị đào thải.
Do vậy, việc triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường cần được triển khai quyết liệt, đầy đủ, trọng tâm để đảm bảo công bằng trong cộng đồng doanh nghiệp và trách nhiệm vì một môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững.
 

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn/trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-nong-nghiep-doi-voi-bao-ve-moi-truong-cid17616.html

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây