Nhiều “rốn ngập” đã được xóa
Trong 20 năm qua, TP.HCM luôn phải đối mặt với tình trạng ngập nước do mưa và triều cường, gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là TP.HCM có địa hình tương đối thấp (65% diện tích có độ cao tự nhiên < +1,5m), chịu ảnh hưởng trực tiếp thủy triều xâm nhập từ Biển Đông làm hạn chế khả năng thoát nước.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch. Đối với các dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới, khi thực hiện đầu tư đã san lấp làm mất diện tích thấm và khả năng trữ nước tự nhiên của kênh, rạch, nhưng chưa thực hiện bù lại diện tích thấm, thoát nước tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước kênh, rạch còn diễn ra phổ biến, chưa được xử lý triệt để.
Để giải quyết tình trạng ngập nước, từ nhiều năm nay, TP.HCM đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp với nguồn kinh phí hàng chục ngàn tỷ đồng. Theo UBND TP.HCM, Chương trình giảm ngập nước của thành phố trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện bộ mặt của đô thị.
Cụ thể, năm 2008, trên địa bàn thành phố tồn tại 126 tuyến đường bị ngập nước do mưa, năm 2015 còn 40 tuyến đường, đến cuối năm 2020 còn 18 tuyến. Ngoài ra, đến cuối năm 2020, TP.HCM đã xóa ngập được 179 tuyến hẻm, đường nhánh, đồng thời đã hoàn thành xử lý 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước các tuyến đường chính. Nhiều tuyến đường được coi là “rốn ngập” của thành phố như: Khu vực vòng xoay Cây Gõ, Lê Hồng Phong, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Đinh Tiên Hoàng, Bến xe Chợ Lớn, Nguyễn Văn Cừ, Bình Thới… đã không còn xuất hiện tình trạng ngập nước.
Theo UBND TP.HCM, tình trạng ngập nước tại TP.HCM chưa được giải quyết dứt điểm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đến nay các quy hoạch về thoát nước, chống ngập, thủy lợi được phê duyệt đã không còn phù hợp nhưng chưa kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Tiến độ triển khai các dự án còn chậm, đạt khoảng 46% theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 và khoảng 10% theo Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. Ngoài ra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn không đảm bảo (trong giai đoạn 2016 - 2020, các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước mới được giao 26,4 ngàn tỷ đồng/96,5 ngàn tỷ đồng tổng nhu cầu vốn, đạt 29,5%).Bên cạnh đó, năm 2008, trên địa bàn thành phố tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều cường, năm 2015 giảm còn 9 tuyến đường trục chính, đến cuối năm 2020 còn 4 tuyến. 4 tuyến đường vẫn thường xuyên bị ngập do triều cường gồm: Nguyễn Văn Hưởng (TP. Thủ Đức), Quốc lộ 50 (quận 8, huyện Bình Chánh), Lê Văn Lương và Trần Xuân Soạn (quận 7).
101,4 ngàn tỷ đồng đầu tư các dự án chống ngập
Hiện tại, TP.HCM đang tập trung triển khai Kế hoạch chống ngập nước giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời tập trung giải quyết ngập bền vững cho lưu vực trung tâm thành phố rộng 106,41 km; cơ bản giải quyết thoát nước cho các lưu vực còn lại…
Để hoàn thành mục tiêu, TP.HCM sẽ tập trung hoàn thiện các đồ án quy hoạch thoát nước, chống ngập úng và cập nhật vào đồ án quy hoạch của thành phố. Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập; ứng dụng công nghệ thông tin trong các công trình thoát nước.
Đặc biệt, TP.HCM dự trù nguồn kinh phí khoảng 101,4 ngàn tỷ đồng để đầu tư hàng loạt công trình chống ngập. Trong đó, TP.HCM sẽ hoàn thành các dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước của 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập còn lại; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước và nạo vét kênh rạch với tổng chiều dài hệ thống thoát nước được bổ sung khoảng 96 km và chiều dài kênh rạch được cải tạo khoảng 5 km; xây dựng hệ thống các nhà máy xử lý nước thải…
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến hết năm 2021, TP.HCM sẽ dự kiến khởi công 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng, giúp chống ngập nhiều tuyến đường ở thành phố. Trong đó, 2 công trình dự kiến hoàn thành năm 2022, giúp tăng khả năng thoát nước trên tuyến và nhà dân xung quanh. Cụ thể, dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức), vốn đầu tư 300 tỷ đồng và Dự án xây dựng cống thoát nước dài 1,3 km trên đường Lý Chiêu Hoàng (quận 6), vốn đầu tư 100 tỷ đồng.
Các dự án còn lại gồm: tại quận 11, dự án cải tạo rạch Đầm Sen dài hơn 600 m sẽ thi công lắp đặt hệ thống cống hộp, vốn đầu tư 84 tỷ đồng, thay thế đường thoát nước cũ đã xuống cấp; dự án cải tạo đường Hàn Hải Nguyên (quận 11), vốn đầu tư 28 tỷ đồng. Tại quận 12, dự án chống ngập đường Tô Ký, vốn đầu tư 77 tỷ đồng. Tại TP. Thủ Đức, dự án đường số 8 và Lã Xuân Oai, vốn đầu tư 131 tỷ đồng. Tại quận 5, dự án cải tạo đường Triệu Quang Phục, vốn đầu tư 61 tỷ đồng.
Ở các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, 3 dự án cũng sắp được khởi công gồm: xây dựng hệ thống thoát nước đường Nhơn Đức - Phước Lộc (dài 2 km, vốn gần 84 tỷ đồng); Hương Lộ 2, đoạn từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tắng (dài 1 km, vốn hơn 64 tỷ đồng); đường Dương Công Khi (vốn 79 tỷ đồng).
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng được đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Công trình giúp kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án hoàn thành sẽ giúp giải quyết 3 điểm ngập do triều, gồm: đường Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn (quận 7) và quốc lộ 50 (huyện Nhà Bè).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn