Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ trong thu gom, phân loại và tái chế rác, Đài Loan đã chuyển mình, trở thành đất nước có tỷ lệ tái chế rác cao hàng đầu thế giới.
Để xử lý lượng rác thải dồn ứ, ảnh hưởng đến mỹ quan, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu năm 1984, Chính phủ Đài Loan đã đưa ra “Kế hoạch quản lý và xử lý chất thải ở các đô thị”, bước đầu tập trung vào việc chôn lấp chất thải rắn tại các bãi chôn lấp. Năm 1998, Luật Tái chế chất thải được ban hành. Đến năm 1988, Cơ quan BVMT Đài Loan (EPA) đã triển khai Chương trình tái chế tại nguồn (4 trong 1), trong đó có 4 thành phần tham gia trong 1 chương trình. Yêu cầu của từng thành phần như sau: Cộng đồng dân cư thực hiện tái chế bằng cách tích hợp các yếu tố cộng đồng dân cư, thiết lập các tổ chức tái chế dựa vào cộng đồng dân cư; Những doanh nghiệp tái chế và thu gom mua chất thải tái chế theo quy định để thu hồi nguyên liệu và tạo ra doanh thu từ hoạt động này; Chính quyền địa phương tổ chức các nhóm thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ cộng đồng dân cư, bán cho các doanh nghiệp tái chế, một phần doanh thu từ việc bán rác thải được dành cho việc hỗ trợ các tổ, đội thu gom rác thải ở cộng đồng dân cư; Đối với Quỹ tái chế, trong chương trình này yêu cầu, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng một khoản kinh phí vào Quỹ tái chế tương ứng với lượng hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường và kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ công tác thu gom, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp tái chế chất thải rắn. Năm 2001, Chính phủ Đài Loan tiếp tục thực hiện Chương trình khuyến khích tái chế rác thải nhà bếp. Rác thải nhà bếp được thực hiện phân thành 2 nguồn: Rác thải có thể sử dụng làm thức ăn cho gia súc; Rác thải được thu gom để sản xuất phân vi sinh. Giai đoạn đầu của Chương trình được thực hiện tại 7 thành phố và 10 tỉnh. Rõ ràng, với những chính sách này, Đài Loan đã đi đầu trong tiếp cận chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm được mở rộng đến giai đoạn trở thành rác thải. Cơ chế này đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đối với chất thải nhựa, năm 2002, sau khi thực hiện thành công Chương trình tái chế rác thải tập trung vào rác thải nhà bếp, EPA đã bước đầu thực hiện đạo luật về tái chế, tái sử dụng tại nguồn các loại rác thải như: Túi ni lông, các loại cốc, đĩa, thìa, đũa dùng 1 lần. Sau 4 năm thực hiện và áp dụng Chương trình, đến tháng 7/2006, EPA yêu cầu các cơ quan Chính phủ ngừng sử dụng đồ dùng một lần và đến tháng 9/2006 lệnh cấm này được thực hiện trên toàn bộ các trường học. Từ tháng 7/2007, cốc giấy không được phép sử dụng trong các cơ quan chính phủ và trường học. Tháng 7/2008 chuỗi cửa hàng đã ngừng sử dụng, cung cấp các loại đũa, thìa, cốc… sử dụng 1 lần. Gần đây nhất, trong nỗ lực nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, tiến tới năm 2030 sẽ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa và thay bằng những sản phẩm có thể tái sử dụng và phân hủy được, từ ngày 1/7/2019, chính quyền Đài Loan cấm các cơ quan chính quyền, trường học, khu mua sắm, cửa hàng bách hóa, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh cung cấp ống hút nhựa cho khách hàng. Những cơ sở này, nếu bị phát hiện cung cấp ống hút cho khách hàng, sẽ bị cảnh báo ở lần vi phạm đầu tiên. Nếu tái phạm, họ sẽ bị phạt từ 1.200 - 6.000 Đài tệ (39 - 190 đô la Mỹ). ủng hộ quy định cấm này, chuỗi nhà hàng McDonald’s bắt đầu chấm dứt sử dụng ống hút nhựa ở Đài Loan. McDonald’s cũng giới thiệu nắp đậy mới của các hộp đựng đồ uống, cho phép người tiêu dùng uống trực tiếp, không cần ống hút. Nếu khách hàng vẫn muốn ống hút, các nhà hàng McDonald’s sẽ cung cấp ống hút giấy. Chuỗi nhà hàng KFC cũng đã ngừng cung cấp ống hút nhựa ở các nhà hàng tại Đài Loan. Các khách hàng là người già, trẻ em và người tàn tật có thể yêu cầu cung cấp ống hút giấy hoặc mua một ống hút kim loại có thể sử dụng nhiều lần với giá 99 Đài tệ (3 đô la Mỹ).
Cùng với một việc ban hành hàng loạt chính sách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Đài Loan cũng khuyến khích người dân thu gom, phân loại rác từ gốc. Người dân phải phân rác thải thành 3 loại là rác thường (có thể bị phân hủy), rác có thể tái chế (giấy vụn, báo cũ, chai nhựa, lọ thủy tinh...) và rác thải nhà bếp (thức ăn thừa, đồ ăn quá hạn…). Thậm chí, thành phố Đài Bắc còn phân loại thêm rác thô (dùng cho phân bón) và rác thực phẩm đã qua chế biến (dùng làm thức ăn cho lợn). Hộp cơm nếu còn dầu mỡ phải dùng nước rửa chén rửa sạch, sau đó để khô rồi mới được bỏ vào túi rác. Danh mục rác tái chế ở Đài Loan có đến 14 loại từ giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, đến pin, bóng đèn, băng đĩa, xe máy, đồ điện máy, linh kiện điện thoại, linh kiện máy tính... với những quy định "hướng dẫn chuẩn bị trước khi bỏ" rất chi tiết, cụ thể. Về thu gom, rác thải được các hộ gia đình phân loại thành các loại riêng, hàng ngày vào khung giờ cố định sẽ có 2 xe rác đi đến các điểm ở khu dân cư để thu gom rác. Xe rác thường có dòng chữ "Không phân loại rác, không được vứt rác". Khi xe rác đến, túi rác tái chế sẽ được đưa tận tay cho nhân viên vệ sinh, rác không tái chế có thể trực tiếp vào xe, còn xô thức ăn thừa thì đổ vào thùng đựng rác nhà bếp phía sau xe rác. Người dân có thể tra cứu xem xe chở rác đang ở vị trí nào qua ứng dụng trên smartphone. Nhiều khu vực dân cư tại Đài Loan đã lắp camera nhằm đảm bảo các hộ dân thực hiện đúng quy trình phân loại rác thải. Những người vi phạm lần đầu sẽ 11 được nhắc nhở bằng thông báo, nếu tái diễn thì họ sẽ bị phạt. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tố cáo khi tặng 50% phí phạt cho người tố giác.
Khu phân loại rác ở Trường Đại học quốc gia Yang-ming, Đài Loan
Đối với việc xử lý rác thải, từ năm 1991, Đài Loan đã áp dụng xử lý chất thải rắn bằng lò đốt rác thay cho phương thức chôn lấp. Hiện có 26 lò đốt rác (5 lò của tư nhân, 1 lò của nhà nước) xử lý rác gia đình và rác công nghiệp. Những lò đốt này biến rác thành năng lượng và cung cấp cho các nhà máy điện năng. Rác thái hữu cơ như khoai đậu, rau cải chưa nấu chín... sẽ được thu gom và xử lý thành phân bón vi sinh. Cơm thừa, canh cặn, xương vụn, thịt dư hoặc đồ ăn quá hạn phải bỏ đi đều được trộn đều, nấu nhừ, sát khuẩn trước khi bán cho các hộ gia đình và công ty chăn nuôi. Một yếu tố nữa góp phần làm nên thành công của ngành tái chế rác tại Đài Loan là sự tài trợ của những nhà sản xuất hoặc kinh doanh sản phẩm tái chế, như các công ty nước ngọt có sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế PET để đóng chai. Nguồn tài chính từ tài trợ này cũng góp phần trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng từ ngành tái chế rác thải, như người nhặt rác rong hay những hộ gia đình lấy thức ăn thừa để chăn nuôi lợn. Ngoài ra, Đài Loan còn sử dụng rác thải để đốt rác phát điện. Năm 2017, hơn 10 năm sau khi Chính phủ bắt buộc thu gom chất thải sinh hoạt riêng, chưa đến 19% trong số 3 triệu tấn chất thải thực phẩm được EPA báo cáo đã được tái chế thành phân trộn và thức ăn cho lợn. Với công nghệ phân hủy kỵ khí phù hợp, chất thải thực phẩm Đài Loan tạo ra khoảng 33 Gigawatt giờ điện mỗi năm, chiếm 1,2% tổng sản lượng điện của Đài Loan năm 2016. Chi phí cho mỗi kilowatt giờ thấp hơn so với điện năng từ gió và chi phí lắp đặt rẻ hơn cả năng lượng gió và mặt trời. Thời gian hoàn vốn ngắn, từ ba đến sáu năm.
Không còn bãi rác bốc mùi hay núi rác chất đống lâu ngày ở nơi tập kết… Thay vào đó là những tuyến phố có nhiều cây xanh, các tuyến giao thông công cộng như xe bus, xe bus 2 tầng và tàu điện ngầm được người dân sử dụng khá phổ biến vì sự tiện lợi lại giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường là hình ảnh thường thấy ở Đài Loan hiện nay. Sau thời gian dài nỗ lực, từ một nơi được xem là “Đảo rác”, Đài Loan đã chuyển mình, vươn lên, trở thành một trong những điểm sáng của thế giới về phân loại và xử lý rác thải. Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19, sau nhiều tháng kiểm soát cơ bản Covid-19 trong cộng đồng, tới tháng 4/2021, Đài Loan tiếp tục bùng phát dịch bệnh. Kể từ giữa tháng 5/2021, Đài Loan nâng mức giãn cách xã hội, người dân phải hạn chế ra ngoài và không cho phép nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ. Điều này dẫn đến việc mua sắm trực tuyến, trong đó có dịch vụ giao đồ ăn tận nhà, ngày càng phát triển, đe dọa nỗ lực giảm lượng tiêu thụ đồ nhựa dùng 1 lần của Chính phủ. Cùng với đó, một lượng lớn khẩu trang thải bỏ không được vứt đúng cách và thay vào đó, chúng được chất đầy ở khu vực ngoại ô hoặc ở biển, nơi các sinh vật biển có thể nhầm với thức ăn, hoặc bị trôi dạt lên các bãi biển cùng với nhiều loại túi nhựa khác… gây ô nhiễm môi trường, còn là nguồn lây nhiễm bệnh tật vô cùng nguy hiểm. Với bước chuyển mình thành công trong việc biến Đài Loan từ “Đảo rác” trở thành một trong những nước sạch nhất thế giới, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, hòn đảo này sẽ sớm giải quyết được bài toán mới mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Nguyễn Việt Cường, Nguyễn Đình Việt
Bộ Ngoại giao
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2021)
Nguồn tin: Cổng TTĐT Tạp chí Môi trường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn