Theo đó, mức thu phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện thẩm định từ 6 triệu đồng đến 61 triệu đồng, tùy thuộc tổng vốn đầu tư dự án. Cụ thể, đối với dự án có tổng vốn đầu tư dự án đến 10 tỷ đồng, mức phí thẩm định là 6 triệu đồng. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư dự án trên 100 đến 200 tỷ đồng, mức phí thẩm định là 30 triệu đồng.
Đối với dự án có tổng vốn đầu tư dự án trên 1.000 đến 1.500 tỷ đồng, trên 3.000 đến 5.000 tỷ đồng, mức phí thẩm định lần lượt là 48 và 53 triệu đồng. Mức phí thẩm định cao nhất là 61 triệu đồng đối với dự án có tổng vốn đầu tư dự án trên 7.000 tỷ đồng.
Người nộp phí là các tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc cơ quan nhà nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định tại thông tư này.
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí thì được trích để lại 70% tổng số tiền phí thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 30% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/3/2023.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn/muc-phi-tham-dinh-phuong-an-cai-tao-phuc-hoi-moi-truong-tu-ngay-20-3-350351.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn