Theo dự thảo, phụ phẩm nông nghiệp là sản phẩm phụ phát sinh từ hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế biến trong các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn, bao gồm: Phụ phẩm cây trồng nông-lâm nghiệp là sản phẩm phát sinh trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm tại khu vực canh tác cây trồng nông-lâm nghiệp; Phụ phẩm chăn nuôi là sản phẩm phát sinh trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật và sản phẩm động vật.
Phụ phẩm thủy sản là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm thuỷ sản nuôi trồng và khai thác; Phụ phẩm ngành nghề nông thôn là sản phẩm phát sinh trong các hoạt động ngành nghề nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn.
Tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho mục đích khác là việc sử dụng lại phụ phẩm nông nghiệp trực tiếp hoặc sau khi áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ hoặc biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp; Bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường và lây lan sinh vật gây hại.
Theo thống kê đến năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 7.000 ha trồng chuối với mục đích chủ yếu để lấy quả và lá, một phần thân chuối được dùng trong việc chăn nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn phần lớn thân cây bỏ đi đã tạo ra hàng nghìn tấn chất thải để phân hủy tự nhiên, gây lãng phí.
Xuất phát từ thực tiễn trên, nhóm sinh viên trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với “đầu tàu” là chàng thanh niên Lê Đình Hiếu (sinh năm 2002) đã nảy ra ý tưởng khá độc đáo với tên gọi: “Cây chuối - từ phế phẩm nông nghiệp đến sản phẩm thân thiện với môi trường”. Dự án này đã đạt giải Ba, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên do Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức và được Ban giám khảo đánh giá là có tính khả thi cao.
Trưởng nhóm Lê Đình Hiếu cho biết: “Cây chuối là loại cây quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, phù hợp sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Mặt khác, người trồng chuối đang gặp khó khăn khi phải xử lý thân chuối sau thu hoạch, cụ thể cứ thu hoạch 1 tấn quả sẽ tạo ra 10 tấn chất thải từ thân cây chuối. Thân chuối một phần nhỏ sử dụng để làm thức ăn cho gia súc, còn phần lớn trở thành phế phẩm nông nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường”.
Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, Hiếu và nhóm bạn đã nhận ra sợi chuối, sau khi tách từ thân cây, có những đặc tính nổi trội, nhiều ưu điểm, có thể khai thác. Loại sợi này có thể được sử dụng làm nguồn nguyên liệu xanh tạo ra các sản phẩm để thay thế các đồ dùng làm từ nhựa như ống hút, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế dùng một lần, làn, giỏ, túi xách, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Đồng thời, ngành công nghiệp giấy sẽ có thêm một nguyên liệu dồi dào là sợi chuối mà không phải khai thác gỗ rừng. Đặc biệt, cùng với bông và tơ tằm, sợi chuối là những nguồn sợi tự nhiên tuyệt vời và đang dần trở nên phổ biến hơn, thân thiện với môi trường trong ngành công nghiệp dệt may.
Tái chế thân cây chuối để thân thiện với môi trường. (Ảnh Báo Tài nguyên Môi trường)
“Quả, lá của cây chuối vẫn thu hoạch như truyền thống, còn thân qua quá trình 6 bước sẽ thu được sợi tơ dùng để đan lát đồ thủ công mỹ nghệ. Cụ thể, sau khi thu gom thân chuối về sẽ tiến hành dùng máy chẻ dọc thân chuối thành từng khúc. Tiếp đến thực hiện bóc từng bẹ, loại bỏ phẩn lõi, bẹ già ở ngoài cùng, mang bẹ qua máy ép tuốt sợi. Sợi được ép sau đó rửa sạch và đem lên giàn phơi. Cuối cùng sợi khô đóng bì vào kho chờ xuất xưởng”, Hiếu chia sẻ.
Điều đặc biệt thể hiện tính ưu việt trong ý tưởng “Cây chuối - từ phế phẩm nông nghiệp tới sản phẩm thân thiện với môi trường” chính là sự tối ưu hóa các thành phần, sản phẩm từ cây chuối.
Trong quá trình ép sợi và sơ chế tơ sợi chuối sẽ thu được dịch chuối bằng phương pháp lên men sinh học sẽ thu được loại phân bón hữu cơ. Loại phân bón này chứa rất nhiều dinh dưỡng, enzyme và khoáng chất dùng để tưới cho hoa và cây trồng (như hoa lan, hoa hồng...), giúp giảm áp lực lên việc sử dụng phân bón hóa học khác.
Đây là loại phân bón có thể được cây trồng hấp thụ dễ dàng qua lá và đặc biệt hữu ích đối với những loại cây trồng không có khả năng hấp thụ một số chất dinh dưỡng qua rễ. Ứng dụng bón lá cho phép điều chỉnh tình trạng thiếu chất dinh dưỡng giữa mùa và cung cấp chất dinh dưỡng bổ sung cho đất.
Đối với bã chuối vụn phát sinh trong chế biến sẽ được phơi khô đóng gói bán làm các giá thể cho quá trình trồng nấm, lan, rau mầm..., sinh trưởng do có khả năng giữ ẩm rất tốt so với mùn cưa, lưu trữ chất dinh dưỡng và mật độ phân giải cao. Độ giữ nước trung bình giúp cho cây không bị úng. Bẹ ngoài của thân chuối và củ chuối phơi khô cung cấp cho xưởng sản xuất giấy.
Theo các nhà nghiên cứu, giấy làm từ bẹ cây chuối có khả năng chống thấm nước và bền gấp 3.000 lần so với giấy làm từ bột gỗ. Củ chuối sẽ được ép lấy nước sau đó trộn bã củ chuối lẫn với bã thân chuối làm giá thể. Như vậy, có thể thấy gần như toàn bộ cây chuối sẽ được thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đem lại giá trị về mặt kinh tế và hạn chế tối đa chất thải ra môi trường.
Theo sinh viên Lê Đình Hiếu: Ý tưởng này được Hiếu các bạn rất tâm huyết, với hy vọng sẽ được các nhà đầu tư có cùng trí hướng góp sức tham gia. Dự án sau khi được nhân rộng sẽ tạo việc làm cho bộ phận nông nhàn ở địa phương, giúp các hộ dân tăng thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống. Giúp xã hội có cái nhìn mới và định hướng xã hội sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Đồng thời, nguồn nguyên liệu tự nhiên tạo ra các sản phẩm thân thiện dễ phân hủy giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo tổng kết về điều tra sinh khối ở Việt Nam do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2018 và số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm theo lý thuyết ở nước ta năm 2020 là trên 156 triệu tấn, bao gồm hơn 88 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); Hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%) cùng hơn 5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5 %) và khoảng 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (chiếm 10,6%).
Riêng lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ cây trồng được thu gom sử dụng vào các mục đích khác chỉ chiếm khoảng 52%. Rơm lúa là phụ phẩm phổ biến được sử dụng cho các mục đích khác chỉ khoảng 56%. Trong khi rơm có thể sử dụng hữu ích cho nhiều mục đích khác nhau, thậm chí bán trên thị trường thế giới.
Tác giả: Nguyễn Linh
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn