Hydro xanh đưa Ấn Độ đến gần hơn với mục tiêu khí hậu

Thứ năm - 24/02/2022 03:49
Bộ Điện lực Ấn Độ cho biết, quốc gia Nam Á đang lên kế hoạch sản xuất 5 triệu tấn hydro xanh lũy kế đến năm 2030 nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu và trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguồn nhiên liệu sạch này.
Hydro xanh trở thành nguồn nhiên liệu bắt buộc sử dụng trong các nhà máy lọc dầu. (Ảnh minh họa)
Hydro xanh trở thành nguồn nhiên liệu bắt buộc sử dụng trong các nhà máy lọc dầu. (Ảnh minh họa)

Trong tương lai, hydro sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, Ấn Độ sẽ thiết lập các khu sản xuất riêng biệt, đồng thời miễn phí truyền tải điện giữa các bang trong 25 năm và cung cấp kết nối lưới điện ưu tiên cho các nhà sản xuất hydro xanh và amoniac xanh nhằm khuyến khích sản xuất, đầu tư.

Hydro xanh được sản xuất bằng cách sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời để tách nước thành hydro và oxy.
Mục tiêu cán mốc 5 triệu tấn hydro xanh của Ấn Độ bằng một nửa so với kế hoạch sản xuất 10 triệu tấn của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030.

Trong khi hydro xanh hiện không được sản xuất trên quy mô thương mại ở Ấn Độ, thì mới đây 2 tỷ phú giàu nhất nước là Mukesh Ambani và Gautam Adani đã công bố kế hoạch sản xuất loại nhiên liệu sạch này.

Với dân số nhiều gấp hơn 3 lần so với EU, Ấn Độ có mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người thấp hơn đáng kể, tuy nhiên lại nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng nhanh nhất trên thế giới.

Mayank Bansal, Giám đốc thương mại của ReNew Power – công ty năng lượng tái tạo hàng đầu Ấn Độ, cho biết các biện pháp khuyến khích mà chính phủ Ấn Độ vừa công bố có thể giúp hạ giá thành sản xuất hydro.

“Ở thời điểm hiện tại, sản xuất hydro xanh là một lĩnh vực khá tốn kém. Do vậy, việc chính phủ miễn phí truyền tải điện giữa các bang là một chủ trương đúng đắn”, ông Bansal nói.

Những cơ chế ưu đãi trên là phần đầu tiên trong chính sách phát triển năng lượng hydro quốc gia của Ấn Độ. Nước này cũng dự định cung cấp hỗ trợ tài chính liên bang để xây dựng các nhà máy điện phân, nhằm hướng tới đưa hydro xanh trở thành nguồn nhiên liệu bắt buộc sử dụng trong các nhà máy lọc dầu và sản xuất phân bón.

Năng lượng hydro đã được thế giới quan tâm phát triển từ những năm 70 của thế kỷ trước với sự xuất hiện của khái niệm “nền kinh tế hydro”. Tuy nhiên, năng lượng hydro chỉ thực sự được quan tâm và phát triển mạnh mẽ trong khoảng 3 năm trở lại đây khi nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng tới một nền kinh tế phát thải các-bon thấp và đã tuyên bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hoặc sớm hơn.

Hydro không chỉ là nguồn nhiên liệu mà còn là nguồn nguyên liệu quan trọng cho các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế nói chung (như sản xuất công nghiệp, giao thông, dân dụng, sản xuất và tích trữ năng lượng) và sẽ dần thay thế các nguồn nhiên, nguyên liệu hóa thạch để hình thành một nền kinh tế hydro trong tương lai không xa.

Ở khu vực Bắc Mỹ, Canada đã công bố Chiến lược phát triển hydro quốc gia trong khi đó Mỹ hiện chưa có một chiến lược cụ thể nhưng đã xây dựng chương trình thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, sử dụng hydro. Cả Canada và Mỹ đều không đặt trọng tâm vào hydro “xanh” mà tiếp cận theo hướng tận dụng những lợi thế sẵn có về hạ tầng, nguồn tài nguyên của từng khu vực để phát triển cả hydro “xanh” và hydro “lam”.

Các tập đoàn dầu khí ở khu vực Bắc Mỹ như: Exxon Mobil, Chevron hiện chưa có chiến lược rõ ràng về hydro và sẽ tập trung nhiều hơn vào hydro “lam” dựa trên những kinh nghiệm, lợi thế sẵn có về công nghệ thu hồi, lưu trữ và sử dụng CO2.

Tuy nhiên, với việc quay trở lại với cuộc chiến chống BĐKH gần đây của Mỹ cùng các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ, có thể trong thời gian tới Mỹ và các tập đoàn năng lượng/dầu khí ở khu vực này sẽ có những chiến lược rõ ràng hơn trong lĩnh vực năng lượng hydro.

Hiện nay, tiêu thụ hydro trên thế giới vào khoảng 70 triệu tấn/năm và chủ yếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu hóa thạch như than, khí tự nhiên (được gọi là hydro “xám”) để sử dụng trong các nhà máy lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm. Tuy nhiên, quá trình sản xuất này cũng phát thải ra một lượng lớn CO2 (khoảng 10 kg CO2/1 kg H2). 

Để hướng tới mục tiêu sử dụng hydro như một nguồn năng lượng sạch và góp phần quan trọng vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, thế giới cần hướng tới sản xuất các loại hydro “sạch” bao gồm hydro “lam” là hydro được sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch có kèm theo quá trình thu hồi, lưu trữ và sử dụng CO2 và hydro “xanh” là hydro được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Tác giả: Nguyễn Linh

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây