Phù Cát (Bình Định): Bảo vệ và phát triển rừng thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ hai - 15/08/2022 21:43

Để bảo vệ trên 28.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 16.157 ha còn lại là rừng trồng, huyện Phù Cát không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng với nhiều giải pháp thiết thực, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn khi thời tiết đang nắng nóng gay gắt với nhiệt độ từ 37-40C, có nguy cơ cháy rừng rất cao, ở mức nguy hiểm, nhất là các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng trồng. Trước tình hình đó, UBND huyện Phù Cát tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng chống cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, đặc biệt là trong thời gian cao điểm nắng nóng diễn ra. Vì vậy, từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện Phù Cát không xảy ra vụ cháy rừng nào. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy rừng không tăng/giảm.

z3633887841656_7b236225b92a26a33e6df7f9c78004cc.jpg
 Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát tổ chức tuần tra rừng 

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát phối hợp với UBND các xã có rừng gồm: Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tân, Cát Trinh, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thành, Cát Minh, Cát Hải, Cát Khánh, Cát Tài, Cát Hanh và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng với 59 đợt và có 306 người tham gia. Kết quả là không phát hiện vi phạm trong các trường hợp phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật hay mua bán cất giữ lâm sản trái phép, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phá bỏ cây trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái pháp luật.

Cùng đó, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên chứa đựng các giá trị sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ khu di tích lịch sử. Tăng cường chức năng phòng hộ đầu nguồn các con sông, suối, hồ, đập trong khu vực, hạn chế xói mòn đất, chống suy thoái tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng để phát huy khả năng phòng hộ môi trường, bảo vệ khu di tích lịch sử, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ hồ đập.

z3633887862134_46ced5b0b7701514bc4c572a25a6fb20.jpg
 Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm huyện Phù Cát 

Chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về những kết quả trong công tác bảo vệ rừng của 7 tháng đầu năm 2022, ông Phạm Lộc, Hạt trưởng- Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát cho biết: Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn phối hợp với địa phương và ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền các biện pháp quản lý, bảo vệ phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Lộc tiếp lời: Mặc dù Hạt Kiểm lâm huyện chỉ có 12 cán bộ, trong khi diện tích rừng trên 28.000 ha, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, tuy nhiên chúng tôi đều bố trí phân công lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng như cán bộ văn phòng trực 24/24 tại các cửa rừng. Bởi vì, bảo vệ rừng là bảo vệ tốt tài nguyên rừng hiện có, tích cực tham gia trồng, khoanh nuôi tái sinh phát triển tài nguyên rừng để nâng độ che phủ rừng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn cân bằng sinh thái.

“Để tiếp tục nâng cao công tác bảo vệ rừng, chúng tôi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực như: Thực hiện các hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét trong và ngoài rừng để phát hiện truy quét các đối tượng phá rừng, khai thác rừng trái phép, nhất là vùng giáp ranh với huyện Hoài Ân và huyện Phù Mỹ. Phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng liên quan, chủ rừng quản lý chặt chẽ nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh lâm sản trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của Luật Lâm nghiệp”, ông Phạm Lộc nói.

Đánh giá thêm về công tác bảo vệ rừng tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: UBND huyện rất quan tâm về công tác bảo vệ rừng để phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong mùa mưa bão tới. Đồng thời, lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho hay: UBND huyện Phù Cát đang triển khai các chương trình bảo vệ và phát triển rừng ven biển tại một số địa phương theo nội dung Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định” của UBND tỉnh Bình Định, để phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây