Giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cần tăng cường quản lý nhà kính

Thứ năm - 24/11/2022 01:04

Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ

Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời gian qua, một số địa phương đã tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải nhà kính ở các lĩnh vực, triển khai các mô hình sản xuất  an toàn, sạch, thông minh, thân thiện với môi trường.

Cụ thể, Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang tham vấn ý kiến của các sở, ngành, địa phương... về việc sử dụng nhà kính. Mục tiêu đến 2030 sẽ giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, bảo đảm hài hòa, cảnh quan, môi trường, phát triển du lịch.

Giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cần tăng cường quản lý nhà kính - Ảnh 1
Giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh minh họa)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng mới đây đã gửi văn bản kèm dự thảo Đề án “Quản lý nhà kính thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” đến các Sở, ngành, UBND các địa phương, doanh nghiệp trang trại sản xuất nông nghiệp)... có sử dụng nhà kính trên địa bàn để lấy ý kiến về đề án này.

Dự thảo đề án cho hay, việc phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, nhất là khu vực nội đô TP.Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị.

Các khu vực sản xuất nông nghiệp trong nhà kính chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa; làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ. Đặc biệt tại những nơi vùng trũng, vùng lòng chảo đã xảy ra trong thời gian qua tại TP.Đà Lạt và vùng phụ cận.

Nhấn mạnh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sử dụng nhà kính không đạt chuẩn, phát triển tự phát với tốc độ nhanh, mật độ xây dựng cao tại một số khu vực đã tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; tính đa dạng sinh học bị hạn chế; tỷ lệ sử dụng nhà kính không đạt chuẩn ở mức cao sẽ tạo dòng chảy lớn, gây lũ quét, làm giảm khả năng thẩm thấu nước dẫn đến nguy cơ giảm mực nước ngầm.

Đồng thời, cần phải có quy định tỷ lệ phù hợp với điều kiện sinh thái, cảnh quan từng vùng, từng khu vực, kết hợp các giải pháp tạo các vành đai xanh, các bờ lô thửa và các diện tích đất trống để đảm bảo hài hoà cảnh quan môi trường. Cần phải quy định mật độ nhà kính phù hợp đối với nội ô TP.Đà Lạt và các vùng phụ cận để phát triển hài hòa lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Cần phải có quy định pháp lý để quản lý đối với xây dựng nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Phát triển ồ ạt nhà kính làm nông nghiệp chiếm hết không gian xanh

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 4.476,2 ha diện tích nhà kính. Trong đó, thành phố Đà Lạt có diện tích cao nhất khoảng 2.554 ha (57,1%), huyện Lạc Dương 944,7 ha (21,1%)... Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa với 2.435,5 ha (chiếm 54,4%), sản xuất rau 1.818,1 ha (chiếm 40,6%), trồng cây khác 222,6ha (chiếm 5,0%). Qua khảo sát thực tế của cơ quan lập đề án cho thấy nhà kính được người dân làm ngay trong nội đô thành phố. Mật độ nhà kính dày đặc như: Tại phường 12 (tỷ lệ diện tích nhà kính/diện tích canh tác chiếm 83,7%); phường 5, 7 và phường 8 trên 60%.

Việc phát triển ồ ạt nhà kính làm nông nghiệp và bêtông hóa quá nhanh chiếm hết không gian xanh khiến thành phố du lịch Đà Lạt thường ngập úng khi mưa lớn. Cụ thể, những trận nước dâng cao đột ngột gây lũ diễn ra với tần suất ngày càng dày hơn ở đô thị này có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly. Từ phía hồ này ngược lên thượng nguồn, hàng nghìn ha đất hai bên suối được người dân "phủ bạt" kính để sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia môi trường cho hay.

Trước thực trạng trên, Đề án “Quản lý nhà kính thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” hướng tới mục tiêu chung là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt (sau năm 2030) và các huyện lân cận. Đồng thời chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, rà soát, xác định các vùng được phép sản xuất nông nghiệp ứng dụng nhà kính để khuyến khích, hỗ trợ người dân nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi đảm bảo nhà kính đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và cảnh quan môi trường. Xác định các giải pháp giúp doanh nghiệp, HTX và nông dân từng bước giảm dần diện tích nhà kính, chuyển sang sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao không sử dụng nhà kính. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 179 tỷ đồng, gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước hơn 3,5 tỷ đồng (chiếm 2,0%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 172,6 tỷ đồng (chiếm 96,5%) và vốn lồng ghép hơn 2,6 tỷ đồng (chiếm 1,5%).

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, các nội dung về chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính gồm: Tăng cường bảo vệ môi trường để giảm tính dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, tăng cường quản lý tổng hợp chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây