Thời điểm chín muồi
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra nguyên tắc cơ bản yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm tái chế bao bì đã qua sử dụng với tỷ lệ bắt buộc dựa vào khối lượng hoặc đơn vị bao bì đóng gói sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra thị trường và phải tuân thủ quy cách tái chế bắt buộc. Theo đó, nhà sản xuất có thể tự mình tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế chất thải.
Trả lời câu hỏi, tại sao Việt Nam cần xây dựng và thực thi EPR vào thời điểm này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, hiện nay, kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng, và trong văn kiện Đại hội Đảng mới đây đã có chủ trương xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Do vậy, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật đã thể chế hóa chính sách này, trong đó có quy định về EPR.
EPR không phải là quy định mới, từ Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã có quy định này với tên gọi “thu hồi sản phẩm thải bỏ”. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta chưa thực hiện được quy định này. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã kế thừa và quy định rõ hơn, chi tiết hơn về EPR.
Đồng tình với quan điểm này, 30 cá nhân, tổ chức môi trường đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng không lùi thời điểm thực thi EPR tại Việt Nam.
Theo chuyên gia tư vấn chính sách và pháp luật Nguyễn Hoàng Phượng, Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR trong khi nhu cầu khẩn cấp cần phải giảm lượng chất thải phát sinh và tăng tỷ lệ tái chế để giảm các xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê, chất thải ở Việt Nam gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng và quản lý và tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm. Nếu không hành động và có chính sách quyết liệt, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia dẫn đầu về lượng chất thải nhựa ra đại dương. Khi áp dụng, EPR sẽ khuyến khích các nhà sản xuất thay đổi thiết kế, buộc họ phải tăng tỷ lệ thu gom, tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì mà họ đã sản xuất.
Hơn thế nữa, EPR và kinh tế tuần hoàn có quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR. Đây là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam giải quyết vấn đề rác thải đại dương hiện nay và hình thành nền công nghiệp tái chế hiện đại.
Cơ hội cho các doanh nghiệp vì cộng đồng, môi trường
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, EPR là gánh nặng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng về EPR, tức là khó khăn luôn đi kèm với thuận lợi hay thách thức luôn đi kèm với cơ hội. EPR là một cách tiếp cận của chính sách môi trường tuân theo nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Vì vậy, EPR sẽ tạo ra khó khăn cho các sản phẩm ít thân thiện với môi trường mà cụ thể là sản xuất sử dụng các nguyên liệu khó tái chế, chất độc hại, thiết kế dẫn đến khó thu gom, …Nhưng ngược lại EPR sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Điều này là vô cùng quan trọng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng sản xuất một sản phẩm.
Theo ông Fausto Tazzi, Tổng giám đốc Công ty TNHH La Vie, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, hiện nay, không chỉ ở các nước phát triển mà nhiều quốc gia đang phát triển đã triển khai áp dụng EPR. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đều mong muốn phát triển bền vững và sẵn sàng nguồn lực để xây dựng lộ trình phát triển, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.
“Việc thực thi nghiêm túc các quy định về EPR vừa thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, vừa là cơ hội phát triển, tăng sức cạnh tranh đối với doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng và thực thi các quy định về EPR tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại”, ông Fausto Tazzi nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, EPR giúp định hướng hoạt động sản xuất sạch hơn, sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Do đó, doanh nghiệp nên nắm bắt xu hướng để chủ động tạo ra lợi thế cho các sản phẩm của mình như: Sử dụng bao bì dễ thu gom, tái chế; Xây dựng thương hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường, có trách nhiệm cộng đồng; Xây dựng niềm tin và mối quan hệ bền vững với khách hàng và các đối tác…
Trên thế giới, việc thành lập Tổ chức thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (PRO) – một tổ chức được các doanh nghiệp có nghĩa vụ trong cùng ngành uỷ quyền để thực hiện nghĩa vụ thay cho mình – trở thành một trong những đặc trưng điển hình của hệ thống EPR theo mô hình tập thể. Ở Việt Nam, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) là một ví dụ về mô hình này đã được các doanh nghiệp FDI và một số doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện thành lập để đón đầu cho việc thực hiện EPR ở Việt Nam. |
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn