Đề xuất mô hình 7R đối với rác thải nhựa

Thứ năm - 23/03/2023 01:25
Đây là công trình nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường- Trường Đại học TN&MT Tp. Hồ Chí Minh. Mô hình 7R này sẽ là một trong các mắt xích thiết yếu để tạo ra hệ sinh thái cho nền kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững của Việt Nam
Đề xuất mô hình 7R đối với rác thải nhựa

Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Lữ Phương cho biết: Rác thải nhựa là nhân tố tiềm năng trong hoạt động tái chế chất thải rắn đô thị nói chung và của ngành công nghiệp nhựa nói riêng. Trên cơ sở đánh giá thực trạng ngành nhựa và rác thải nhựa tại Việt Nam, tiềm năng 7R đối với rác thải nhựa, các công nghệ phổ biến hay đặc thù đối với tái chế rác thải nhựa, kinh nghiệm thực tiễn của một số đơn vị có tái chế phế liệu nhựa và một số mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tương tự, nhóm tác giả đề xuất quy trình cho hệ thống xử lý chất thải nhựa áp dụng mô hình KTTH.

Theo đó, mô hình KTTH được đề xuất trong nghiên cứu này đang ở mức độ trung mô: Mở rộng trọng tâm mô hình KTTH từ một doanh nghiệp, nhà máy đơn lẻ sang hợp tác/kết nối nhiều doanh nghiệp, nhà máy, các đơn vị liên quan (có phát thải nhựa/có hoạt động tái chế chế/có sử dụng “nguyên liệu” nhựa phế thải/có sử dụng các sản phẩm nhựa/…). Mô hình được đề xuất theo ma trận 2D tích hợp giữa quy trình và cách thức để tuần hoàn dòng vật chất nhựa trong nền kinh tế chất thải. Trong mô hình, hệ thống phân loại rác thải nhựa ra khỏi dòng rác thải rắn đóng vai trò quan trọng giúp mô hình đạt hiệu quả về kỹ thuật và kinh tế. Đây cũng là giai đoạn thứ nhất được đề xuất trong quy trình hệ thống xử lý/tái chế chất thải nhựa tích hợp mô hình KTTH. Sau giai đoạn I, các giai đoạn xử lý/tái chế trung gian và tái chế được đề xuất trong phạm vi giai đoạn hai, ba của quy trình. Sự phân tách giai đoạn trong mô hình được đề xuất nhằm làm rõ các đối tượng tham gia vào mô hình và vai trò của đối tượng. Các giai đoạn trong quy trình được thể hiện chi tiết hơn khi tích hợp với cách thức thực hiện. Cụ thể, các sản phẩm nhựa sau quá trình sử dụng và được thu gom, phân loại ở giai đoạn 1 sẽ được tham gia vào quá trình “tuần hoàn” theo ba nhóm cách thức: (A) công nghiệp tái chế; (B) tái sử dụng trực tiếp và (C) tái chế trực tiếp/tuần hoàn nội bộ. Theo cách thức của công nghiệp tái chế, rác thải nhựa được thu gom bởi các đơn vị chức năng thu gom/tái chế chất thải rắn, được phân loại thứ cấp, xử lý/tái chế trung gian và tái chế thành sản phẩm tiêu dùng bởi các công nghệ thu hồi (tái chế cơ - hóa học, tái chế nhiệt, khí hóa) và tạo ra các sản phẩm có ích như hạt nhựa nguyên liệu, dầu thứ cấp, khí gas hoặc các sản phẩm nhựa khác. Bên cạnh công nghiệp tái chế, một phần rác thải nhựa có thể được tái sử dụng trực tiếp (tái sử dụng các sản phẩm nhựa cho mục đích khác ban đầu, ví dụ băm nghiền vỏ xe để gia cố sân/đường nội bộ, tái sử dụng chai lọ cho mục đích thứ cấp,…) (B) hoặc tái chế trực tiếp để tuần hoàn nội bộ trong đơn vị phát sinh hoặc trong sinh thái công nghiệp (C) (doanh nghiệp sản xuất giày da bán phế phẩm nhựa trong quy trình cho đơn vị sản xuất ván ép nhựa;...).

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện mô hình đề xuất nhằm tối ưu các điểm còn “tuyến tính” và gắn kết mô hình này vào nền kinh tế chung và với các mô hình KTTH khác. Các phương thức xử lý, tái chế, tái sử dụng đang được tích hợp vào mô hình đã đề xuất ở trên thông qua các phân lớp nhỏ để làm rõ tính tuần hoàn tổng thể của dòng vật chất nhựa trong mô hình, cụ thể hóa các công nghệ tái chế/tái sử dụng nhựa, từ đó đánh giá các dòng vật chất khác phát sinh trong quá trình tái chế/tái sử dụng nhựa và các đề xuất để tuần hoàn các dòng vật đó. Việc áp dụng mô hình vào thực tế sẽ đạt hiệu quả cao hơn về kinh tế và kỹ thuật nếu việc triển khai phân loại rác tại nguồn trên phạm vi cả nước được thực hiện tốt, có nhiều hơn cơ chế khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ các cơ quan quản lý Nhà nước hay ý thức tái chế của người dân; có các đơn vị chuyển giao công nghệ bậc cao về tái chế và quy hoạch sinh thái công nghiệp của các địa phương.

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây