ghiên cứu nhằm đánh giá rủi ro sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác chanh dây tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. 38 nông hộ trồng chanh dây ở các địa phương khác nhau trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đã được khảo sát. Kết quả có 22 loại thuốc BVTV khác nhau được sử dụng, chủ yếu là thuốc BVTV chứa 1 hoạt chất (63,6%). 100% thuốc BVTV được sử dụng thuộc nhóm độc II và III theo phân loại của WHO. Tổng lượng thuốc BVTV phun trung bình của nông hộ dao động 33,92 - 42,20 (lít-kg) và liều lượng phun trung bình từ 9,55 (lít-kg/ha) đến 11,46 (lít-kg/ha). Giá trị EIQ EIQ đồng ruộng trung bình của các loại thuốc BVTV được sử dụng dao động trong khoảng từ 86,7 - 115,7.
Đặt vấn đề
Tỉnh Đắk Nông hiện đang tăng cường diện tích trồng cây ăn quả với kế hoạch đạt 18.500 ha vào năm 2030 để đạt sản lượng 288.000 tấn. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV cũng đang gia tăng, đặc biệt tại huyện Đắk R’Lấp, gây lo ngại về tác động tiêu cực cho sức khỏe con người và môi trường. Điều này đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV tại địa phương này để đảm bảo an toàn cho môi trường đất (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, 2021).
Kết quả của nghiên cứu giúp nông dân canh tác chanh dây có thể chọn lựa các loại thuốc BVTV có tác động môi trường thấp hơn để giảm thiểu rủi ro cho môi trường và sức khỏe con người.
Phương pháp nghiên cứu
Khảo sát và thu thập dữ liệu: Nghiên cứu tiến hành khảo sát 38 nông hộ trồng cây chanh dây tại huyện Đắk R’Lấp có sử dụng thuốc BVTV trong quá trình canh tác và diện tích canh tác ≥ 1 ha về tình hình canh tác, loại thuốc BVTV sử dụng, cách sử dụng, tác động của thuốc BTVT đối với cây trồng và sức khỏe, cùng với phương án xử lý sau khi sử dụng thuốc BTVT.
Tính toán chỉ số tác động môi trường: EIQ lý thuyết của 1 loại thuốc BVTV được sử dụng để tính toán 8 loại chỉ số tác động bằng cách sử dụng phương trình đại số kết hợp với xếp hạng so với khối lượng tương đối được chỉ định cho mỗi tác động đến: Người phun, người chăm sóc - thu hái, người tiêu dùng, mạch nước ngầm, cá, chim, ong mật và thiên địch (Kovach và cộng sự, 1992). Các chỉ số EIQ được tính theo cách tính của FAO (FAO, 2008) và đại học Cornell (Kovach và cộng sự, 1992).
Công thức tính EIQ đồng ruộng: EIQ đồng ruộng = EIQ lý thuyết × Ai × lượng dùng (kg/ha). Trong đó, EIQ lý thuyết là giá trị EIQ lý thuyết của hoạt chất có trong loại thuốc đó, được lấy theo Đại học Cornell phiên bản năm 2023. Ai (Active Ingredients) là hàm lượng hoạt chất trong thuốc BVTV được thu thập từ thông tin ghi trên nhãn của hóa chất. Hàm lượng hoạt chất tính theo % và lượng dùng là lượng thuốc BVTV được dùng tính theo lít/ha hoặc kg/ha. Nếu nông dân dùng nhiều loại thuốc BVTV, thì EIQ đồng ruộng là tổng của EIQ của từng loại thuốc BVTV đã dùng. Chỉ số EIQ đồng ruộng ≤ 150 là được coi là an toàn (xanh) trong điều kiện các yếu tố khác liên quan đến an toàn được đảm bảo.
Kết quả và thảo luận
Tình hình sử dụng thuốc BVTV tại địa phương: Bảng 1 cho thấy, trên địa bàn nghiên cứu sử dụng 22 loại thuốc BVTV với 22 hoạt chất khác nhau. Trong đó, có 14/22 loại thuốc BVTV được sử dụng chỉ có 1 hoạt chất (chiếm 63,6%), 7/22 loại thuốc (chiếm 31,8%) có 2 hoạt chất và có 1/22 loại thuốc BVTV có 3 hoạt chất (chiếm 4,6%). Theo Điều 2 Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT quy định các thuốc BVTV chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/2/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/02/2021. Tuy nhiên, vào thời điểm khảo sát thì các nông hộ vẫn còn sử dụng thuốc BVTV TRICEL 48EC có chứa hợp chất Chlorpyrifos ethyl trong quá trình canh tác.
Bảng 1: Danh mục thuốc BVTV và hoạt chất được sử dụng trên địa bàn nghiên cứu
Tại khu vực nghiên cứu, người dân sử dụng cả 3 loại thuốc BVTV bao gồm thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh. Trong đó, thuốc trừ sâu được sử dụng phổ biến nhất (chiếm 50 - 61,5%), tiếp đến là thuốc trừ bệnh (chiếm 28,6 - 33,3%) và cuối cùng là thuốc trừ cỏ (chiếm 7,7 - 21,4%). Hầu hết thuốc BVTV sử dụng có nguồn gốc hóa học, chiếm 75,0 - 78,6%. Không có loại thuốc BVTV nào thuộc nhóm độc I và nhóm IV, trong đó thuộc nhóm độc II (chiếm 33,3 - 38,5%) và nhóm độc III (chiếm 61,5 - 66,7%). Ở mỗi khu vực khảo sát, diện tích canh tác chanh dây trung bình/hộ từ 1,1 đến 1,32 ha; tổng lượng thuốc BVTV sử dụng dao động từ 33,92 - 42,20 (kg-lít) và liều lượng phun cả vụ trung bình dao động từ 9,55 - 11,46 (kg-lít/ha). Trong đó, cao nhất tại Đắk Ru (11,46 kg-lít/ha), tiếp đến là Kiến Thành (11,28 kg-lít/ha), Kiến Đức (11 kg-lít/ha) và Quảng Tín (9,55 kg-lít/ha).
Chỉ số tác động môi trường lý thuyết và đồng ruộng: Chỉ số EIQ lý thuyết của từng loại thuốc BVTV được kiểm tra trong danh mục của Đại học Cornell (https://cornell.app.box.com/v/eiq-pesticide-list). Các loại thuốc BVTV có chỉ số EIQ lý thuyết nằm trong khoảng 5,9 - 47,0 chiếm tỷ lệ lớn nhất (76,9 - 85,8%), tiếp đến là nhóm thuốc BVTV có chỉ số EIQ lý thuyết trong khoảng 61,9 - 89,9 (chiếm 14,2 - 16,6%). Nhóm thuốc BVTV có chỉ số EIQ lý thuyết nằm trong khoảng 47,9 - 61,9 chiếm tỷ lệ thấp nhất (chiếm 0 - 7,7%). Thuốc BVTV có chỉ số EIQ lý thuyết thấp nhất là thuốc MATAXYL 500WP (hoạt chất Metalaxyl) (EIQ lý thuyết là 13,17). Loại thuốc BVTV có giá trị EIQ lý thuyết cao nhất là AMISUPERTOP 500WP (gồm 3 hoạt chất: Azoxystrobin, Propineb và Tebuconazole) với giá trị EIQ lý thuyết là 84,15.
Bảng 2: Số lượng loại thuốc BVTV sử dụng theo giá trị EIQ lý thuyết
Kết quả tính toán chỉ số EIQ đồng ruộng ở Bảng 3 cho thấy giá trị EIQ đồng ruộng trung bình dao động từ 86,7 - 115,7%. Trong đó, xã Đắk Ru có chỉ số EIQ đồng ruộng trung bình cao nhất, tiếp đến là xã Quảng Tín, xã Kiến Thành và thị trấn Kiến Đức. So với ngưỡng an toàn (EIQ đồng ruộng < 150), tại Đắk Ru có 7 (58,3%) số hộ khảo sát có giá trị EIQ đồng ruộng nằm trong ngưỡng an toàn, Kiến Đức có 9/13 (69,2%) hộ Kiến Thành có 11/14 (78,6%) hộ và Quảng Đức có 7/13 (53,8%) hộ.
Bảng 3: Số lượng loại thuốc BVTV sử dụng theo giá trị EIQ đồng ruộng
Bảng 4: So sánh EIQ đồng ruộng với một số nghiên cứu khác
Kết quả so sánh chỉ số EIQ đồng ruộng với một số cây trồng khác ở Bảng 4 cho thấy, canh tác chanh dây có giá trị EIQ đồng ruộng trung bình thấp hơn so với canh tác cam theo mô hình truyền thống, canh tác cam theo mô hình VietGAP và súp lơ với EIQ đồng ruộng trung bình lần lượt là 175,3 (1,74 lần); 133,9 (1,33 lần) và 128,3 (1,27 lần). Giá trị EIQ đồng ruộng trung bình của canh tác chanh dây cao hơn so với sản xuất cây chè 3,75 lần.
Đề xuất giải pháp
Trong phạm vi của nghiên cứu, để giảm thiểu rủi ro thuốc BVTV (giảm giá trị EIQ), cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau: (1) Hướng dẫn cụ thể người dân tính toán EIQ và biên soạn cẩm nang tính toán EIQ cho nông dân thực hiện. Trên cơ sở EIQ lý thuyết đã có, các cơ quan quản lý lập danh mục tra cứu để nông dân có thể áp dụng vào việc lựa chọn các loại thuốc BVTV để trừ được sâu bệnh và giảm thiểu được rủi ro cho con người và hệ sinh thái; (2) Phổ biến kết quả tính EIQ đến người dân để người dân nắm thông tin và lựa chọn được các loại thuốc BVTV phù hợp và có giá trị EIQ thấp nhằm giảm thiểu rủi ro; (3) Cần thường xuyên rà soát các loại thuốc BVTV đã cấp sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Kết luận: Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 38 hộ trồng chanh dây tại 4 địa phương thuộc huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Có 22 loại thuốc BVTV khác nhau được sử dụng tại địa bàn nghiên cứu, trong đó có 1 loại thuốc TRICEL 48EC có chứa thành phần Chlorpyrifos ethyl được cấp sử dụng tại Việt Nam từ 12/02/2021. Nhóm thuốc có chỉ số EIQ lý thuyết nằm trong khoảng từ 5,9 - 47,0 chiếm tỷ lệ lớn nhất (76,9 - 85,8%). Thuốc BVTV có chỉ số EIQ lý thuyết thấp nhất là thuốc MATAXYL 500WP có giá trị EIQ lý thuyết là 13,17. Loại thuốc BVTV có giá trị EIQ lý thuyết cao nhất là AMISUPERTOP 500WP với giá trị EIQ lý thuyết là 84,15. Chỉ số EIQ đồng ruộng trung bình dao động từ 86,7 - 115,7% và có 53,8 - 78,6% số hộ được khảo sát có chỉ số EIQ đồng ruộng nằm trong ngưỡng an toàn (EIQ đồng ruộng < 150).
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Thanh An, Nguyễn Ngọc Bình và Phí Đăng Sơn (2019). Đánh giá rủi ro thuốc BVTV thông qua EIQ trong sản xuất cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 6, 47-56;
2. Bộ NN&PTNT (2022). Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo;
3. FAO (2008). IPM Impact Assessment Series. Guidance Document No 2: Guidance on the Use of Environmental Impact Quotient in IPM Impact Assessment;
4. Kiet, H.V.T.T., Nguyen, T.P., & Thoa, T.K.N. (2021). Influences of Agrochemicals on Health and Ecology in Vietnamese Mango Cultivation. The Scientific World Journal, vol. 2021, 10 pages;
5. Kovach J., Petzoldt C., Degnil J., and Tette J. (1992). A method to measure the environmental impact of pesticides. Cornell University, Ithaca;
6. Hà Xuân Linh và Lương Quỳnh Hoa (2018). Nghiên cứu ứng dụng EIQ trong đánh giá việc sử dụng thuốc BVTV trên cây chè tại xã Phúc Xuân và Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 178(02), 103-108;
7. Đặng Xuân Phi và Đỗ Kim Chung (2012). Đánh giá rủi ro thuốc BVTV thông qua chỉ số tác động môi trường trong sản xuất súp lơ ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 5(15), 51-57;
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông (2021). Thực trạng, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển KT-XH, kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
9. Lê Quốc Tuấn và Phạm Thị Bích Diễm (2018). Đánh giá rủi ro thuốc BVTV thông qua EIQ trong canh tác lúa ở huyện Thoại Sơn - An Giang. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp, 1.
TRỊNH TRỌNG NGUYỄN1, BÙI VĂN HOA2, TRẦN THÀNH ĐẠT3, THÁI VĂN NAM1*
1 Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
2 Công Ty TNHH Giải pháp Cơ điện
3 Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh (HITC)
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 5 năm 2024
Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn