Cải thiện chất lượng không khí là "chìa khóa" giải quyết khủng hoảng môi trường

Thứ sáu - 03/09/2021 09:23
Báo cáo toàn cầu mới về ô nhiễm không khí do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố ngày 2/9 nhấn mạnh, chất lượng không khí được cải thiện là chìa khóa để giải quyết bộ ba cuộc khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, ô nhiễm và chất thải.
Ô nhiễm phủ kín đường chân trời của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào lúc hoàng hôn. Ảnh: UNICEF/Roger LeMoyne
Ô nhiễm phủ kín đường chân trời của thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào lúc hoàng hôn. Ảnh: UNICEF/Roger LeMoyne

Mở đầu Đánh giá Toàn cầu về Luật Ô nhiễm Không khí (GAAPL), Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Andersen cho biết, chất lượng không khí tiếp tục xấu đi bất chấp tính chặt chẽ của luật pháp và quy định về giải quyết ô nhiễm không khí.

Kết quả về luật chất lượng không khí ở 194 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, mặc dù, sự chuyển động của các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nhưng chỉ một phần ba số quốc gia được nghiên cứu có cơ chế pháp lý để quản lý hoặc giải quyết ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

Các biện pháp về mặt pháp lý

Sử dụng Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về chất lượng không khí, báo cáo xem xét các biện pháp pháp lý để xác định liệu các tiêu chuẩn chất lượng không khí có được đáp ứng hay không và các vấn đề còn tồn tại nếu chúng không được đáp ứng.

Theo nghiên cứu, 43% các quốc gia thiếu định nghĩa pháp lý về ô nhiễm không khí và 31% vẫn chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (AAQS). Hơn nữa, 37% các quốc gia không yêu cầu các cơ chế giám sát chất lượng không khí quốc gia, trong khi cơ chế này rất quan trọng để hiểu rõ chất lượng không khí ảnh hưởng đến dân số quốc gia như thế nào.

Với tình trạng ô nhiễm không khí không có biên giới, phân tích cũng chỉ ra rằng chỉ 1/3 các quốc gia được nghiên cứu có cơ chế pháp lý để quản lý hoặc giải quyết ô nhiễm không khí xuyên biên giới.

Mặc dù, vẫn còn tồn tại những thách thức lớn, nhưng báo cáo đã thu hút sự chú ý đến những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được và người đứng đầu UNEP đã đề cao rằng có thể đóng vai trò là cơ sở cho các hệ thống quản lý chất lượng không khí mạnh mẽ nhằm bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của con người và giải quyết bộ ba cuộc khủng hoảng hành tinh.

Bà Inger Andersen cho biết, nhiều quốc gia hiện có các điều khoản hiến pháp có khả năng cho phép thiết lập quyền về không khí sạch trong luật pháp. Thông tin về chất lượng không khí là quyền được thiết lập tốt ở nhiều quốc gia và ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, việc tranh tụng lợi ích công đang cải thiện các chính sách về chất lượng không khí.

Dù không có giải pháp nhanh chóng nào để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm, song báo cáo nhấn mạnh, quản lý chất lượng không khí mạnh mẽ là rất quan trọng để đạt được các tiêu chuẩn chất lượng và các mục tiêu sức khỏe cộng đồng có thể đạt được thông qua việc xây dựng pháp luật về kiểm soát chất lượng, tích hợp trách nhiệm giải trình, khả năng thực thi, tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng.

Theo bà Andersen, thiếu năng lực thực thi là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực thi kém các luật về chất lượng không khí. Báo cáo này là sự khởi đầu của nỗ lực hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm dựa trên cơ sở khoa học, tích hợp và các khuôn khổ và chính sách pháp lý nhất quán. Tất cả các quốc gia phải nâng cao tham vọng về giảm thiểu ô nhiễm.

Đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí

GAAPL đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường quản lý chất lượng không khí cũng như hướng dẫn các quốc gia giải quyết ô nhiễm không khí một cách hiệu quả và góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG).

Các cam kết về chất lượng không khí bao gồm khuôn khổ pháp lý chung trên toàn cầu cho AAQS và các công cụ pháp lý quốc tế quan trọng trong khu vực về chất lượng không khí, đặc biệt là ở EU, yêu cầu các nước ký kết riêng để xây dựng hệ thống pháp lý tương đối mạnh mẽ về kiểm soát chất lượng không khí.

Sau đánh giá này, UNEP sẽ xây dựng hướng dẫn thực hành trong Chương trình Luật Môi trường Montevideo để mở rộng hỗ trợ các quốc gia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí.

UNEP cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các quốc gia, liên quan đến việc phát triển và thực hiện các khuôn khổ pháp lý về ô nhiễm không khí, với việc xây dựng năng lực bổ sung, bao gồm cả cho các thẩm phán, công tố viên và các quan chức thực thi khác.

Bà Andersen nhấn mạnh: “Các quốc gia phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo chất lượng không khí sạch và an toàn. UNEP cam kết mở rộng hỗ trợ cho các quốc gia trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm, qua đó, bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của tất cả mọi người”.

Theo Tổng hợp từ UN News

Tác giả: Lan Chi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây