Bịt “khoảng trống” trong xử lý nước thải đô thị

Thứ hai - 08/08/2022 01:32
Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Điều này trở thành một thách thức lớn trong việc xử lý nước thải đô thị. 
Bịt “khoảng trống” trong xử lý nước thải đô thị

Việt Nam hiện có hơn 800 đô thị, nhưng do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống xử lý nước thải đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải thiếu hụt dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường, đe dọa môi trường nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân. 

Theo Bộ TN-MT, lượng nước thải sinh hoạt tại Việt Nam phát sinh khoảng 3.650m3/ngàyđêm, tỷ lệ xử lý mới chỉ đạt khoảng 12-14%. Trong đó, Hà Nội có khoảng 22%, TPHCM có khoảng 21,2%, Đà Nẵng có khoảng 33% tổng lượng nước sinh hoạt được thu gom xử lý. Trong tổng số 846 đô thị trên cả nước, mới chỉ có 38 đô thị có công trình xử lý nước thải tập trung, chiếm tỷ lệ 4,4%. Mặt khác, công tác kêu gọi đầu tư vào lĩnh  vực xử lý nước thải đô thị đang gặp những khó khăn, như: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tình hình thực tế; giá dịch vụ xử lý chất thải còn thấp, trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục; cơ chế huy động nguồn vốn từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư. Một thống kê của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, 60% hộ gia đình Việt Nam đã đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng, nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có khoảng 10% được xử lý. Mức thiệt hại kinh tế do vệ sinh kém ước tính khoảng 780 triệu USD mỗi năm. 

Có thể thấy rằng, nước thải tại các đô thị lớn hầu như chưa được xử lý hoặc mới xử lý được một phần nhỏ rồi xả trực tiếp ra kênh rạch, sông nội thành gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Đã đến lúc việc quản lý và xử lý nước thải cần được quan tâm hơn ở các khâu quy hoạch, chính sách, công nghệ, quản lý và vận hành. Ngoài ra, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước lâu dài, bền vững cũng cần tăng cường biện pháp chế tài đối với các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước. Giải quyết tốt vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trước khi xả ra nguồn là một yêu cầu cấp bách nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và tạo điều kiện cho đô thị phát triển bền vững, bền lâu.

 

Nguồn tin: www.sggp.org.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây