Biến rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh

Thứ sáu - 01/10/2021 06:53
Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021 vừa vinh danh Công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh” do PGS. TS. Nguyễn Đình Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) - Bộ Công Thương và các cộng sự thực hiện.
Hệ thống dây chuyền thiết bị ứng dụng vào sản xuất ở Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai (Ảnh: Báo Công Thương)
Hệ thống dây chuyền thiết bị ứng dụng vào sản xuất ở Công ty Cổ phần Môi trường đô thị tỉnh Lào Cai (Ảnh: Báo Công Thương)

     Ứng dụng cho nhà máy xử lý rác

     Chia sẻ về công trình, PGS. TS Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM), chủ nhiệm Công trình cho biết, rác thải sinh hoạt hiện đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu quản lý và tái sử dụng hợp lý thì đây cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ, phong phú, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần rất lớn trong việc BVMT, tiết kiệm tài nguyên.

     Vì vậy, trong quá trình triển khai, PGS. TS Nguyễn Đình Tùng cùng các cộng sự Viện RIAM đã tìm hiểu chắt lọc/lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải chế biến sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh. Kết quả, đã đưa được ra thị trường dây chuyền thiết bị “đồng bộ, hiện đại” phù hợp với điều kiện Việt Nam để có thể ứng dụng trong thực tiễn tại Công ty cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai, dưới sự giám sát về công nghệ, kỹ thuật đối với dây chuyền thiết bị của Tổ chức Quốc tế AFD của Cộng hòa Pháp.

     Hệ thống dây chuyền thiết bị phục vụ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ bao gồm: Thiết bị phễu cấp liệu (rác đầu vào) có kết cấu “đặc thù” cho phù hợp với rác thải của Việt Nam; Thiết bị xé túi và sàng phân loại sơ chế và sàng phân loại tinh chế kiểu rô to/lồng quay; Thiết bị thiết bị tuyển từ (tách, lọc sắt); Hệ thống trộn có kết cấu đặc thù. Các thông số kỹ thuật của thiết bị được kiểm tra, đánh giá bằng phần mềm máy tính.

     Thiết bị phễu cấp liệu (rác đầu vào) có kết cấu “đặc thù” cho phù hợp với rác thải của Việt Nam thể hiện ở một số đặc điểm như: Độ ẩm lớn; Hình dạng phức tạp, không có hình dạng nhất định; Nguyên liệu là sự tổng hợp của các loại vật liệu từ vô cơ, hữu cơ, cành cây, đồ gỗ, bàn ghế, đồ nhựa, đệm mút, chăn chiếu... nên có cơ lý tính khác nhau; Kích thước dài, ngắn, to nhỏ khác nhau; Trọng lượng nặng, nhẹ khác nhau…

     Thiết bị xé túi, sàng phân loại sơ chế và sàng phân loại tinh chế kiểu rô to/lồng quay ngoài thực hiện chức năng của sàng là sàng phân loại lấy mùn hữu cơ, còn có chức năng “xé túi”. Thiết bị tuyển từ (tách, lọc sắt) có vai trò tách, lọc sắt. Do vậy, thiết bị cần tính toán xác định được các thông số kỹ thuật tối ưu ngoài ra còn lưu ý đến lực từ. Ở đây đã sử dụng phương pháp phần từ hữu hạn để tính toán lực từ. Về hệ thống trộn có kết cấu đặc thù, hệ thống phù hợp đối với nguyên/vật liệu dạng bột, xốp tơi rời và nhẹ để khi trộn chất lượng tốt, độ đồng đều cao và linh hoạt.​

     Thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp xanh

     Theo PGS. TS Nguyễn Đình Tùng, việc ứng dụng thành công sản phẩm của Công trình đã đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội như: Giá thành đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị của giải pháp tiết kiệm được khoảng 55 tỉ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức, Pháp) và tiết kiệm được khoảng 27 tỉ đồng so với hệ thống dây chuyền thiết bị nhập khẩu từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản).

     Hệ thống dây chuyền thiết bị có rất nhiều ưu điểm nổi trội, có nhiều tính mới, tính khoa học so với mẫu máy trong nước cũng như trên thế giới. Nhiều máy móc, thiết bị chính trong hệ thống dây chuyền đồng bộ này đã được “tích hợp” nhiều ưu điểm từ nhiều máy của nhiều nước phát triển trên thế giới có công nghệ hiện đại (VD: Đức, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc,…); Hệ thống dây chuyền thiết bị trong giải pháp này được nghiên cứu và chế tạo trong nước tại Viện RIAM 100% (nội địa hóa 100%) không cần nhập khẩu, góp phần nâng cao khả năng chế tạo trong nước.

     Việc thiết kế, chế tạo và ứng dụng vào sản xuất thành công đối với hệ thống dây chuyền thiết bị đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện điều kiện sống đối với doanh nghiệp và bà con nông dân, đặc biệt là các bà con dân tộc thiểu số tại Lào Cai.

     Mặt khác khi sử dụng thiết bị xử lý đồng bộ, liên hoàn trong giải pháp này còn góp phần bảo vệ môi trường do có thể sử dụng nguồn hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi phân ly, tách ra được để sản xuất thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao.

     Công trình góp phần tác động, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác trong nước cùng phát triển như ngành môi trường, phân bón, cơ khí chế tạo máy, ngành vật liệu,... Góp phần nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng trong xử lý, chế biến dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng rác thải sinh hoạt thành các nguyên liệu hữu ích. Góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp “xanh”, bền vững ngày một phát triển hơn ở Việt Nam trong tương lai.

     Từ 151 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do các bộ, ngành, tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị, Ban Chỉ đạo đã lựa chọn ra 76 công trình, giải pháp tiêu biểu vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2021. Nghiên cứu của RIAM là 1 trong 2 công trình nghiên cứu do Bộ Công Thương chủ trì được lựa chọn đăng tải trong ấn phẩm. 

     Trước đó, Công trình đã đạt Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Tác giả: Hồng Cẩm

Nguồn tin: Cổng TTĐT Tạp chí Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây