Trên thế giới, nhiều công cụ quản lý đã được áp dụng để giải quyết các vấn đề môi trường đến nhóm công cụ hành chính, hay còn gọi là công cụ mệnh lệnh - kiểm soát, tuyên truyền giáo dục và khoa học công nghệ, mục tiêu BVMT vẫn không đạt được kết quả như mong muốn nên các nhà khoa học đã đề xuất nhóm công cụ kinh tế (CCKT).
Hiện nay, các CCKT ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng trong kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, đất, chất thải rắn, khai thác khoáng sản…. thuế/phí môi trường và giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng, phổ biến là ở Na Uy, Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Philippin. Ngoài ra, còn có các CCKT khác được áp dụng, gồm trái phiếu môi trường, nhãn sinh thái, cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ môi trường, đặt cọc hoàn trả… Nhìn chung, các CCKT áp dụng tại các quốc gia trên thế giới đều thể hiện tính hiệu quả cao trong việc kiểm soát ô nhiễm, giảm lượng phát thải và bảo tồn đa dạng sinh học.
Tại Việt Nam, tính đến nay, nước ta chỉ áp dụng một hình thức ký quỹ duy nhất, là ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường dành cho loại hình dự án khai thác khoáng sản. Việc quy định ký quỹ môi trường sẽ buộc các doanh nghiệp quan tâm hơn đến vấn đề sử dụng những công nghệ an toàn cho môi trường. Trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xác định được mức độ tác động xấu đến môi trường của doanh nghiệp và từ đó, xác định mức tiền mà doanh nghiệp phải ký quỹ nhằm bảo đảm phục hồi môi trường. Xuất phát từ nhu cầu đó, việc triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm xây dựng cơ chế ký quỹ môi trường đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường cao”, hướng đến xây dựng một CCKT hiệu quả để áp dụng là việc làm cần thiết.
Tại Hội thảo, nhóm thực hiện Đề tài đã báo cáo 2 nội dung chính: “Nghiên cứu đề xuất phương pháp tính toán số tiền ký quỹ môi trường” và “Áp dụng phương pháp tính toán số tiền ký quỹ môi trường cho loại hình dự án nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản; hoá dầu”.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Các đại biểu đã ghi nhận những nỗ lực của nhóm thực hiện Đề tài trong việc nghiên cứu kinh nghiệm triển khai ký quỹ môi trường trên thế giới, đánh giá thực tiễn việc thực hiện ký quỹ môi trường tại Việt Nam, trên cơ sở đó, đề xuất ký quỹ môi trường đối với 15 dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao thông qua hệ thống tiêu chí xác định công nghệ tốt nhất hiện có (BAT - best available technology) đối với các loại hình dự án này. Do công nghệ đóng vai trò quyết định dòng thải, mức độ tác động của dự án đối với môi trường, bước quyết định của công cụ này là “sàng lọc” nhằm phân loại dựa trên công nghệ áp dụng, từ đó, quyết định dự án có phải đối tượng ký quỹ hay không. Với mô hình này, thay vì rủi ro về môi trường mà cộng đồng phải gánh chịu, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và theo đó, doanh nghiệp phải cân nhắc khi lựa chọn công nghệ của dự án.
Đồng thời, Hội thảo cũng thu thập được rất nhiều ý kiến đóng góp cho sản phẩm của Đề tài như cần nghiên cứu thêm về cơ chế quản lý và sử dụng tiền ký quỹ môi trường (thời điểm ký quỹ; nguyên tắc quản lý và sử dụng tiền quỹ; giám sát việc sử dụng tiền quỹ; việc hoàn trả lại tiền quỹ ...); cần đánh giá tính khả thi và hiệu quả của việc áp dụng công cụ ký quỹ môi trường tại Việt Nam. Theo Luật BVMT năm 2020, chỉ có 3 nhóm đối tượng phải thực hiện ký quỹ BVMT, bao gồm: Khai thác khoáng sản; Chôn lấp chất thải; Nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Do đó, các đại biểu cho rằng, nhóm thực hiện Đề tài cần tiếp tục nghiên cứu tập trung vào 3 đối tượng nêu trên; xây dựng lộ trình áp dụng ký quỹ môi trường và đề xuất việc đầu tư; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý và triển khai áp dụng ký quỹ môi trường trong điều kiện phát triển kinh tế -xã hội gắn với BVMT tại Việt Nam.
Nguồn tin: tapchimoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn