Việt Nam sớm đệ trình Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ sáu - 10/12/2021 09:42
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Tham vấn phương pháp xây dựng Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu được Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT tổ chức ngày 9/12 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu

Theo thống kê, đến nay đã có 20 nước trên thế giới xây dựng và đệ trình Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu tới Công ước khung của Liên Hợp Quốc về BĐKH như là một báo cáo độc lập, 16 quốc gia đề cập nội dung báo cáo về thích ứng biến đổi khí hậu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hoặc Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu được Đảng, Nhà nước coi là vấn đề sống còn và là nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị.

Các nỗ lực gần đây về ứng phó với BĐKH của Việt Nam được thể hiện trong NDC, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trung và dài hạn và chương trình, chiến lược đến 2030, tầm nhìn 2045 của các Bộ, ngành, địa phương...

Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn chưa có Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, chưa đưa ra thông tin toàn diện và đầy đủ về thích ứng với khí hậu. Vì vậy, việc xây dựng Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết nhằm cập nhật, định hướng các vấn đề cấp bách, ưu tiên của Việt Nam trong thích ứng BĐKH hậu, qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm và huy động các nguồn lực hỗ trợ quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, hiện, Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với Mạng lưới Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH hoàn thành Khung báo cáo quốc gia về Thích ứng biến đổi khí hậu và đang triển khai xây dựng Báo cáo quốc gia về thích ứng BĐKH. Để hoàn thiện Báo cáo này, đơn vị soạn thảo rất cần ý kiến đóng góp, tham vấn của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân, nhà khoa học…, nhất là các ý kiến đóng góp về phương phương pháp xây dựng, các nội dung chính về thích BĐKH cần được thể hiện trong báo cáo.

Phân tích rõ hơn về Báo cáo quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu, TS. Đào Minh Khuê, Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Báo cáo này gồm 9 phần như: Bối cảnh quốc gia, thể chế, chính sách về thích ứng biến đổi khí hậu; Tác động, rủi ro biến đổi khí hậu và tính dễ bị tổn thương; Các mục tiêu, chiến lược, chính sách, kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu; Nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu/hỗ trợ cho các nước phát triển; Kết quả thực hiện các kế hoạch và hành động thích ứng; Hài hòa và đồng lợi ích giữa mục tiêu thích ứng BĐKH và mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; Đóng góp vào các điều ước, thỏa thuận quốc tế khác; Thích ứng BĐKH và vấn đề giới, kiến ​​thức truyền thống, kiến thức về người bản địa, dân tộc thiểu số; Các vấn đề khác liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu. Và, Báo cáo có thể nộp như một báo cáo độc lập. Hoặc, được tích hợp và đệ trình cùng Kế hoạch quốc gia về thích ứng biến đổi khí hậu; NDC…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Theo các chuyên gia, quá trình xây dựng Báo cáo đang gặp một số khó khăn, cần sớm khắc phục như: Khuôn khổ pháp lý để lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia còn hạn chế; Thiếu chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu trong một số lĩnh vực, nhất là ở cấp địa phương về biến đổi khí hậu và đánh giá hiệu quả của các hoạt động thích ứng; hạn chế trong công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; Cơ sở vật chất của hệ thống phòng, chống thiên tai chưa hiện đại nên khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai thấp, dễ bị tổn thương và thiệt hại….

Tác giả: Phạm Oanh

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây