TPHCM đẩy mạnh quan trắc chất lượng không khí

Chủ nhật - 03/07/2022 22:37
Ô nhiễm không khí (ÔNKK) đang là vấn đề lớn ở TPHCM. ÔNKK nói chung và phơi nhiễm các vật chất siêu nhỏ nói riêng (nhất là bụi PM 2.5) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe, bệnh tật về đường hô hấp, thậm chí dẫn tới nguy cơ tử vong sớm. Mỗi năm, TPHCM có hơn 1.000 ca tử vong do ÔNKK. 

Nguồn phát thải bủa vây

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đánh giá, TPHCM đang chịu tác động của 4 nguồn gây ô nhiễm chính. Đó là hoạt động giao thông; khí thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; khí thải phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân (nấu nướng, đốt than, củi, đốt phế liệu tự phát của người dân...); và nguồn gây ô nhiễm đến từ việc đốt rơm, rạ ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai... Việc phải chịu quá nhiều nguồn thải khiến cho tình trạng ÔNKK ở TPHCM đã và đang trở nên phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sức khỏe của người dân. 

Đồng quan điểm này, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện MT-TN, Đại học Quốc gia TPHCM, cũng cho biết, nguồn phát thải gây ÔNKK từ các phương tiện giao thông chiếm tỷ lệ rất lớn. Trong đó, chủ yếu là xe máy. TPHCM có hơn 7 triệu xe máy, và đây là nguồn phát thải chủ yếu của các chất ô nhiễm NO2, CO, SO2, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5 thải ra từ phương tiện này chiếm gần 80%. Ngoài ra, các ngành sản xuất công nghiệp cũng là nguồn phát thải cao. 

TPHCM đẩy mạnh quan trắc chất lượng không khí ảnh 1
Hoạt động sản xuất phát thải nhiều khí gây ô nhiễm môi trường

Trao đổi về những tác động của ÔNKK đến sức khỏe con người, PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, chuyên gia hô hấp thuộc Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, ÔNKK gây ra rất nhiều bệnh tật. Chẳng hạn như hen suyễn, suy giảm mạn tính về chức năng hô hấp, ung thư phổi, các bệnh tim mạch... Điều đáng lo ngại nhất là nồng độ PM2.5 của TPHCM hàng năm đều rơi vào khoảng 23μg, cao gấp gần hơn 4 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Tai Mũi Họng cho thấy, 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị hen phế quản đi kèm và 80% bệnh nhân hen bị viêm mũi dị ứng. Hàng năm, TPHCM có hơn 1.000 ca tử vong do ÔNKK. "Năm 2020, ở TPHCM, PM 2.5 gây tử vong cho 1.136 người, NO2 là 172 người và SO2 là 89 người. Năm 2021, PM 2.5 đóng góp 6,3% (35/557) ca tử vong do ung thư phổi; 6,5% (41/629) ca tử vong do ung thư hệ hô hấp”, PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan dẫn chứng. 

Nâng cao năng lực cảnh báo

Nhiều ý kiến đánh giá, ÔNKK tại TPHCM đang gây hậu quả rất nặng nề. Để có thể phòng tránh tác động của ÔNKK, TPHCM cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc không khí tự động để cảnh báo cho người dân biết trước, từ đó có những biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Chia sẻ về dự án ứng dụng theo dõi chất lượng không khí Healthy AIR đang được triển khai ở TPHCM (dự án hợp tác giữa Trung tâm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Ireland và Đại học quốc gia TPHCM), PGS-TS Hồ Quốc Bằng cho biết, ứng dụng này có thể đo được nhiều chất gây ÔNKK như PM 2.5, CO, NO2, SO2. Dựa trên số liệu đo liên tục từ 6 trạm quan trắc tại 6 đơn vị (quận Bình Thạnh, quận 10, quận 1, Tân Phú, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức), Healthy AIR đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh hen suyễn, viêm xoang, hô hấp...

Ngoài ra, dự án cũng sẽ phát triển các mô hình để dự đoán mức độ ÔNKK đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách phân tích sự tương quan mức độ ÔNKK trong các khoảng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để có thể đo lường chất lượng không khí toàn TPHCM, cần phải có ít nhất 16 trạm quan trắc không khí tự động. 

Song song với các giải pháp nâng cao năng lực dự báo, quan trắc chất lượng không khí, PGS-TS Phùng Chí Sỹ cũng đề xuất các giải pháp khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng xăng E5, hạn chế xe máy, tăng cường xe bus, phương tiện công cộng, phát triển xe điện, kiểm kê khí thải xe máy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không đốt than, củi, phế liệu trong các khu dân cư. Với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần đầu tư công nghệ sạch và áp dụng sản xuất sạch hơn. Đối với các nguồn gây ô nhiễm từ bên ngoài, cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống quan trắc tự động để cảnh giới, giúp người dân biết trước và tìm cách phòng tránh.

Đề xuất giải pháp kiềm chế khí thải, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật kiến nghị, cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho việc sản xuất cũng như nhập khẩu các phương tiện giao thông cơ giới; có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng.

Nguồn tin: www.sggp.org.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây