50 năm qua, nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất đã tăng gấp 3 lần và hiện đang thiếu gay gắt vào những năm khô hạn. Đề án an ninh tài nguyên nước quốc gia trình Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp chủ yếu.
Trước những bất ổn về an ninh nguồn nước đối với phát triển bền vững kinh tế-xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang nỗ lực hoàn thiện Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Khuyến nhằm làm rõ hơn về vấn đề này.
- Nước sạch và vệ sinh môi trường là lĩnh vực luôn được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để ứng phó với tình trạng suy giảm nguồn nước ngầm, nguy cơ thiếu nước sạch, cần tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Ở Việt Nam, theo thống kê, bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất đã tăng gấp 3 lần và nước sinh hoạt, sản xuất hiện đang thiếu và càng gay gắt vào những năm khô hạn như năm 2016, năm 2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để đảm bảo an ninh tài nguyên nước, đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất, môi trường, phòng tránh rủi ro do nước gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ đề án an ninh tài nguyên nước quốc gia đến năm 2045, trong đó đã đề ra 9 giải pháp chủ yếu.
Những giải pháp mang tính trọng tâm đột phá gồm: tăng cường hoàn thiện, đổi mới thể chế, chính sách, cơ chế tài chính; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành nước; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hòa phân bổ tài nguyên nước đảm bảo chủ động nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt và sản xuất.
Cải thiện, phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn sinh thủy, các hệ sinh thái ngập nước quan trọng, đảm bảo an ninh nước cho môi trường; tăng cường đầu tư, nâng cấp, nâng cao hiệu quả sử dụng nước; nâng cao năng lực ứng phó tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro khác liên quan đến nước.
- Ông có thể nói rõ hơn việc khai thác tài nguyên nước không theo quy hoạch sẽ dẫn tới nguy cơ gì? Và thời gian tới cần những giải pháp nào để quản lý, khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Quy hoạch tài nguyên nước là công cụ quan trọng phục vụ quản lý. Khi xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, đã tính toán khả năng khai thác cho từng nguồn nước, từng khu vực cụ thể để đảm bảo việc khai thác là bền vững, tránh những rủi ro, tác động xấu về mặt tài nguyên, môi trường.
Do đó, khai thác tài nguyên nước không theo quy hoạch sẽ dẫn tới nguy cơ: suy giảm, suy thoái nguồn nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm, thậm chí cạnh tranh về khai thác giữa các chủ công trình, giữa các khu vực.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tài nguyên nước trình Chính phủ phê duyệt (hiện nay Chính phủ đã phê duyệt 3 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; 1 quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước; đang xem xét phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia), các địa phương lập quy hoạch tỉnh, trong các quy hoạch này đều có nội dung quy hoạch công trình khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước và khả năng khai thác của nguồn nước ở từng nguồn nước, từng khu vực.
Do đó, trước mắt cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo các nội dung quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch đối với quy hoạch tài nguyên nước, đặc biệt là các quy hoạch tỉnh, vì nội dung quy hoạch tài nguyên nước được lồng ghép trong quy hoạch tỉnh; tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước; thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm quy định pháp luật về tài nguyên nước.
Về lâu dài, kết hợp các biện pháp trước mắt với hoàn thiện thể thế; tăng cường đầu tư, thu hút nguồn lực thực hiện xã hội hóa những hoạt động đủ điều kiện, khôi phục các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.
- Vấn đề xã hội hóa đầu tư ngành nước đang gặp nhiều thách thức, theo ông thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể nào?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Hiện tại việc xã hội hóa đầu tư ngành nước đang dừng lại ở mức thấp, xã hội hóa công trình khai thác đang được triển khai đối với dịch vụ cung cấp nước sạch trên cơ sở các quy định của Luật Đầu tư, Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc sản xuất kinh doanh nước sạch, Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/8/2020 về tăng cường công tác quản lý sản xuất kinh doanh nước sạch.
Các quy định của pháp luật về xã hội hóa các nội dung đầu tư khác đối với ngành nước đang ở mức độ nguyên tắc như: chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất, chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt...
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 54/2015/NĐ-CP ưu đãi sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, các quy định nêu trên là chưa đủ để triển khai xã hội hóa ngành nước.
Về thực tiễn, cũng đã có doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý cho phép được kè bờ sông, chống sạt lở; các sông kênh như sông Nhuệ, sông Đáy; Bắc Hưng Hải, Ngũ Huyện Khuê đang là các kênh chứa nước thải và sẽ tiếp tục là kênh chứa nước thải nếu không tạo nguồn có dòng chảy thường xuyên.
Nguồn vốn đầu tư cho kè bờ, chống sạt lở bờ sông; phục hồi dòng sông là rất lớn, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng, trong khi việc này doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được.
Do đó, nhằm giải quyết những tồn tại thách thức nêu trên, thời gian tới cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ để thu hút nguồn lực xã hội tham gia khôi phục các dòng sông trên cơ sở quy định về hợp tác công tư, nhà nước - doanh nghiệp đều có lợi; tham gia quan trắc tài nguyên nước và các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước khác, đảm bảo nguyên tắc nhà nước và doanh nghiệp đều có lợi.
Đồng thời, cần tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
- Đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn của việc quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ như thế nào, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến: Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tại Văn bản số 1799/BTNMT-TNN ngày 19/4/2021 để đảm bảo theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Tài nguyên nước.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước tại Quyết định số 116/QĐ-TNMT ngày 17/01/2022.
Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước trên cơ sở Quy hoạch và kế hoạch đã phê duyệt nêu trên để đảm bảo được mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021.
Riêng đối với Kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1383/QĐ- TTg ngày 04/8/2021, để đảm bảo mục tiêu theo Quyết định nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng nội dung, kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 của Quyết định nêu trên, dự kiến sẽ phê duyệt trong quý 1/2022.
Trân trọng cảm ơn ông.
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn