Báo cáo có tên “SOLAW 2021” đã nêu bật những thách thức đối với dân số khoảng gần 10 tỷ người trên toàn cầu vào năm 2050.
Tổng Giám đốc FAO, QU Dongyu cho rằng, các mô hình sản xuất nông sản hiện nay không chứng minh được tính bền vững. Tuy nhiên, các mô hình này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm bớt những căng thẳng về tài nguyên đất và nước và đóng góp tích cực vào các mục tiêu khí hậu và phát triển.
Những kết quả chính
Nếu thế giới tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, sản xuất thêm 50% lượng lương thực cần thiết, có thể làm tăng 35% lượng nước rút khỏi nguồn nước mặt hoặc nước ngầm cho nông nghiệp. Điều đó có thể tạo ra những thảm họa về môi trường, gia tăng sự cạnh tranh về tài nguyên và tạo ra những thách thức và xung đột mới trong xã hội.
Hiện nay, sự suy thoái đất do con người gây ra ảnh hưởng đến 34% (khoảng 1.660 triệu ha) đất nông nghiệp. Mặc dù, hơn 95% lương thực được sản xuất trên đất liền, nhưng vẫn có rất ít khả năng để mở rộng diện tích có thể tạo ra năng suất cao hơn.
Trên thực tế, các khu đô thị chiếm không đến 0,5% bề mặt đất của Trái đất, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng của các thành phố đã làm giảm đáng kể nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm và xâm lấn đất nông nghiệp. Chỉ trong 17 năm, từ năm 2000 đến năm 2017, sử dụng đất bình quân đầu người đã giảm 20%.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nước hiện đang đe dọa 3,2 tỷ người sống trong các khu vực nông nghiệp.
Giải pháp “có trong tay”
FAO cho rằng, việc mở rộng quy mô công nghệ và đổi mới là rất quan trọng để giải quyết những thách thức này. Thế giới cần tăng cường các hệ thống kỹ thuật số cung cấp dữ liệu cơ bản, thông tin và các giải pháp dựa trên khoa học cho nông nghiệp.
Quản lý đất đai và nước phải toàn diện và thích ứng hơn, để mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa, những người dễ bị tổn thương nhất và đang đối mặt với tình trạng mất an toàn thực phẩm lớn nhất.
Báo cáo cho biết, cũng cần phải lập kế hoạch tổng hợp hơn ở tất cả các cấp, và các khoản đầu tư vào nông nghiệp phải được chuyển hướng tới các lợi ích xã hội và môi trường.
Cuối cùng, FAO cho rằng, việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất và nước là chìa khóa để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu. Chẳng hạn, sử dụng đất một cách thông minh có thể giúp loại bỏ một phần ba lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ đất nông nghiệp.
Tác giả: Mai Đan
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn