1. “Lắc đầu” với nhiên liệu hóa thạch
Tháng 6/2021, Bộ Nội vụ Mỹ quyết định đình chỉ tất cả hợp đồng khai thác dầu và khí đốt tại Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc cực ở bang Alaska (ANWR).
Bên cạnh đó, nhằm cắt giảm ô nhiễm đến năm 2026, tháng 8/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký lệnh hành pháp, quy định một nửa số xe hơi mới bán ra vào năm 2030 phải là xe không phát thải, đồng thời đề xuất các quy tắc phát thải xe mới.
Sau khi lên kế hoạch từ đầu năm, chính quyền ông Biden cũng chính thức rút giấy phép, “khai tử" đường ống Keystone XL gây tranh cãi, đánh dấu một thành tựu lớn trong nỗ lực bảo vệ môi trường vào tháng 9/2021.
Tại Hà Lan, tháng 5/2021, tòa án ở La Haye ra phán quyết rằng tới năm 2030, Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Royal Dutch Shell phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon ròng so với mức của năm 2019. Tạp chí National Geographic mô tả đây là một “bước ngoặt lịch sử”.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc tại Glasgow (Anh) vào hôm 31/10/2021, hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm 30% khí methane vào cuối thập niên. LHQ cho biết nỗ lực cắt giảm lượng khí methane đáng kể trong thập kỷ này có thể ngăn được tình trạng Trái đất nóng lên gần 0,30C vào năm 2040.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, Trung Quốc và Mỹ, hai quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, cũng đưa ra tuyên bố chung về việc cắt giảm khí thải trong thập niên này. Theo đó, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh hứa xây dựng kế hoạch cắt giảm khí methane.
2. Ngăn chặn “chảy máu" rừng
Tháng 10/2021, Bộ trưởng Môi trường CHDC Congo Eve Bazaiba thông báo tạm ngừng xuất khẩu gỗ tròn. Theo bà Bazaiba, quyết định này không chỉ là nỗ lực phục hồi rừng tự nhiên mà còn cho phép CHDH Congo, quốc gia sở hữu diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới, thực hiện chương trình tái trồng rừng với các đối tác kỹ thuật, tài chính và phát triển.
Trước đó, Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi đã ra lệnh rà soát tất cả các hợp đồng khai thác gỗ hiện có ở quốc gia này. Liên quan đến quyết định trên, bà Bazaiba nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn có thêm bất kỳ hợp đồng nào với các đối tác đã đến chặt phá rừng dã man. CHDC Congo sẽ kiểm tra và hủy bỏ các hợp đồng này".
Tại Ecuador, tháng 12/2021, Tòa án tối cao đã ra phán quyết rằng hoạt động khai thác khoáng sản ở Khu bảo tồn Los Cedros, một trong những vườn quốc gia đa dạng sinh học nhất Trái đất, đã tác động xấu đến đa dạng sinh học và vi phạm Hiến pháp Ecuador.
Từ đó, Tòa án tối cao quyết định vô hiệu lực toàn bộ hợp đồng và giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực này. Báo The Guardian nhận định đây là một “chiến thắng lịch sử" trong nỗ lực bảo vệ lá phổi xanh cho hành tinh.
3. Giải quyết ô nhiễm nhựa
Từ tháng 9/2021, bang Queensland, Úc chính thức áp dụng lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, dao, dĩa, hộp đựng thức ăn… và trở thành bang thứ ba ở quốc gia này cấm sử dụng những sản phẩm tiện lợi tức thời nhưng gây tác hại lâu dài đối với môi trường.
Nối gót Úc, bang California, Mỹ thông qua dự luật cấm các công ty sử dụng biểu tượng có thể tái chế, trừ khi họ chứng minh được loại vật liệu đó từng được tái chế thành công trên thực tế. Quyết định trên nhận về nhiều phản ứng tích cực từ đông đảo người dân, liên minh các nhóm bảo vệ môi trường và chính quyền địa phương.
Trong một phát biểu vào tháng 11/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận Mỹ sẽ ủng hộ hiệp ước toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa được dự kiến tiến hành vào tháng 2/2022.
Theo một báo cáo được đệ trình lên chính phủ liên bang hôm 1/12/2021, Mỹ là quốc gia xả thải nhựa nhiều nhất thế giới. Vì vậy, tạp chí National Geographic nhận định sự góp mặt của Mỹ trong hiệp ước này có ý nghĩa rất lớn.
4. Bảo vệ môi trường sống
Tháng 11/2021, Chính phủ Colombia, Costa Rica, Ecuador và Panama đã cam kết mở rộng các khu bảo tồn thuộc hành lang biển, nằm ở phía đông Thái Bình Dương nhiệt đới. Theo đó, 4 quốc gia Mỹ Latin sẽ khởi động lại sáng kiến Hành lang biển Đông Thái Bình Dương nhiệt đới (CMAR) để phù hợp với mục tiêu của liên minh toàn cầu về đại dương.
Cũng trong tháng 11, Chính phủ Bồ Đào Nha tiến hành mở rộng một khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Selvagens. Được biết, đây là khu bảo tồn biển lớn nhất châu Âu với diện tích 2.677 km2.
Cuối năm 2021, chính quyền Biden quyết định tạm ngừng kế hoạch cho phép khai thác gỗ tại cánh rừng già rộng hơn 1 triệu hecta ở tây bắc Thái Bình Dương nhằm bảo vệ môi trường sống cho nhiều loài động vật hoang dã tại đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo luật hiệp ước chim di cư.
Cú đốm sinh sống tại khu vực rừng rậm ở bang Washington, Oregon và phía bắc California, Mỹ - Ảnh: THE GUARDIAN
5. Bảo vệ động vật hoang dã
Tháng 7/2021, Bộ Sinh thái và môi trường Trung Quốc thông báo đã loại tên gấu trúc lớn (giant panda) khỏi danh sách nguy cấp. Động thái này cho thấy các khu bảo tồn thiên nhiên ở quốc gia này đang triển khai tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong một công bố vào tháng 9/2021, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế cho biết nhiều loài cá ngừ từng được xếp vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tổ chức nhận định đây là “trái ngọt" của sự nỗ lực nhiều thập kỷ qua nhằm hạn chế tác động của hoạt động đánh bắt cá thương mại.
Tác giả: Nam Việt
Nguồn tin: tapchimoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn