Phát biểu khai mạc Hội thảo, đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, ông Suzuki Nobuatsu cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, Nhật Bản đã phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống pháp luật kiểm soát ô nhiễm và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Trong đó, đồng lợi ích là công cụ chính sách quan trọng trong giảm phát thải thông qua cải tiến vận hành thiết bị tiêu thụ năng lượng tại nhà máy. Nhật Bản đã có kinh nghiệm trong triển khai các dự án đồng lợi ích tại các quốc gia như Indonesia, Sri Lanka, Myanmar,…
Theo bà Nguyễn Thị Thiên Phương – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, dự án “Hợp tác song phương đồng lợi ích giữa Việt Nam - Nhật Bản năm 2022 về mở rộng hợp tác quốc tế liên quan tới công nghệ môi trường” được xây dựng trong khuôn khổ triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường Nhật Bản.
Thời gian qua, đoàn chuyên gia kĩ thuật, tư vấn của Bộ Môi trường Nhật Bản đã thực hiện các hoạt động tập trung vào mục tiêu xây dựng mô hình đồng lợi ích tại cơ sở mục tiêu, xây dựng sổ tay hướng dẫn, trao đổi chính sách hình thành dự án theo cơ chế tín chỉ chung (JCM) giữa hai quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu phòng chống ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam và thu được nhiều kết quả khả quan.
Chia sẻ cụ thể hơn về các kết quả của dự án, ông Daisuke Tsuji – chuyên viên phòng Công nghệ Kiểm soát môi trường, Cục Môi trường nước và không khí, Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết: Trên cơ sở lựa chọn ứng viên tham gia thí điểm đồng lợi ích thực hiện năm 2021, chuyên gia kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, đánh giá công tác vận hành, các thông số, phân tích dữ liệu thu thập được từ cơ sở mô hình điểm và xác định đồng lợi ích. Từ đó, đề ra giải pháp phù hợp với cơ sở mô hình điểm. Cùng với đó, biên soạn sổ tay hướng dẫn chẩn đoán và thực thi đồng lợi ích cho doanh nghiệp và tiến hành đào tạo nhân lực tại cơ sở mô hình.
Dự án cũng đã thực hiện khảo sát khả năng hình thành dự án JCM thông qua phát hành phiếu khảo sát tới các Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đầu mối tại các địa phương để chuyển thông tin đến các doanh nghiệp trên địa bàn trong các lĩnh vực có khối lượng phát thải lớn, cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ để cải tiến năng suất cũng như hướng tới cắt giảm khí thải, sử dụng nguyên nhiên liệu.
Là đơn vị điểm thực hiện mô hình kiểm chứng đồng lợi ích, ông Nguyễn Đình Hùng – Chủ tịch Công ty cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hoà Bình chia sẻ, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật như điều chỉnh lưu lượng gió trong buồng đốt, tận dụng nhiệt thải đã giúp lượng dầu sử dụng cho lò đốt giảm khoảng 30%. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ về chính sách của Việt Nam liên quan đến cắt giảm khí nhà kính và giảm ô nhiễm không khí; khái quát về cơ chế JCM và ví dụ dự án liên quan; giới thiệu kỹ thuật đo và quan trắc khí thải.
Kết thúc hội thảo, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thiên Phương tin tưởng và hi vọng với sự hỗ trợ từ Bộ Môi trường Nhật Bản, việc triển khai các mô hình đồng lợi ích theo cơ chế JCM tại Việt Nam sẽ có những bước phát triển và mở rộng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm hiểu biết, quan tâm và nỗ lực nhằm thiết lập các kỹ thuật tham gia vào các dự án đồng lợi ích theo cơ chế JCM. Đồng thời, mong muốn Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam những hỗ trợ hiệu quả và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong và ngoài khuôn khổ các hợp tác song phương vì mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn