Chủ trì Hội nghị gồm có đ/c Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT và đ/c Phan Văn Đăng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, cùng với sự tham dự của các cơ quan trung ương và địa phương đến từ 21 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030; là năm đầu tiên triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Một trong những điểm mới của Luật là đã xác lập đúng vai trò hoạt động quan trắc và dự báo, cảnh báo môi trường với các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp trong hoạt động quan trắc môi trường; đặt ra yêu cầu phải kịp thời đầu tư nâng cấp, thống nhất thông tin, dữ liệu và chuẩn hóa phương pháp và kỹ thuật hoạt động quan trắc môi trường.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, ông Phan Văn Đăng phát biểu chào mừng và yêu cầu hội nghị trao đổi, thảo luận những khó khăn, tồn tại để tìm ra giải pháp, công cụ hữu hiệu, thiết thực, thống nhất trong hoạt động quan trắc môi trường, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo môi trường.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường và các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trình bày về thực trạng mạng lưới quan trắc, công cụ dự báo, cảnh báo môi trường, cũng như các văn bản pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực quan trắc môi trường, dự báo, cảnh báo môi trường và định hướng trong thời gian tới.
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về những khó khăn trong hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công cụ dự báo, cảnh báo môi trường. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách thức triển khai hiệu quả trong lĩnh vực quan trắc, dự báo, cảnh báo môi trường thời gian qua.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học, cũng như ý kiến góp ý, trao đổi sâu sắc của các địa phương về những vấn đề liên quan đển hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo môi trường, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới cần phải tập trung:
- Thứ nhất: Đề xuất định hướng bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về quan trắc, dự báo và cảnh báo môi trường, đặc biệt là các hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn phù hợp với đặc thù của các địa phương khu vực phía Nam. Song song với đó là các giải pháp về tăng cường nguồn lực về khoa học kỹ thuật, tài chính và nhân lực để sớm đạt được mục tiêu đưa công tác quan trắc và dự báo, cảnh bảo tiếp cận các nước tại khu vực và thế giới.
- Thứ hai: Đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để triển khai hoạt động quan trắc môi trường theo hướng tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc tích hợp dữ liệu, xây dựng mô hình phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo môi trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn