Đồng Nai: Nhiều công trình khai thác nước ngầm chưa xin phép

Thứ ba - 06/12/2022 02:50
Sở TN-MT mới có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra, rà soát trường hợp vi phạm khai thác tài nguyên nước; đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở cá nhân, đơn vị đang khai thác tài nguyên nước trên địa bàn phải lập thủ tục xin phép theo quy định. 
Đồng Nai: Nhiều công trình khai thác nước ngầm chưa xin phép

Công trình khai thác nước ngầm tại xã Sông Trầu, H.Trảng Bom.

Việc lập thủ tục xin phép khai thác tài nguyên nước nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên, theo dõi để đưa ra phương án bảo vệ, giảm tác động tiêu cực đến khu vực khai thác nước.

* Hoạt động lâu nhưng chưa lập thủ tục xin phép

Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) Hứa Quốc Bách cho biết, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều công trình khai thác nước ngầm đã hoạt động nhiều năm nhưng chưa lập thủ tục xin phép, gia hạn giấy phép.

Theo ông Bách, Nghị định số 201 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Quyết định số 297 năm 2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất và bản đồ khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đều quy định tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất vượt quá 10m3/ngày phải làm thủ tục xin phép khai thác nước tại UBND cấp xã hoặc cấp huyện. Sở TN-MT theo dõi và cập nhật số liệu đăng ký khai thác nước dưới đất nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.

Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) Trần Trung Hiếu thông tin, trên địa bàn tỉnh có 88 công trình cấp nước nông thôn do 3 đơn vị quản lý vận hành là: đơn vị sự nghiệp công lập (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh hoặc cấp huyện), doanh nghiệp và UBND xã. Trong đó, hơn 20 công trình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh quản lý đã thực hiện thủ tục xin phép khai thác nước ngầm, đa phần công trình do cấp huyện và cấp xã quản lý chưa làm thủ tục này.

“Năm 2020, Sở NN-PTNT thực hiện rà soát tất cả công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đơn vị quản lý vận hành thực hiện thủ tục giấy phép theo quy định. Tháng 8-2022, Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát một lần nữa, đồng thời yêu cầu địa phương kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tuân thủ quy định về giấy phép khai thác nước ngầm” - ông Hiếu chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND xã Bình Sơn (H.Long Thành) Nguyễn Thị Ngọc Trinh cho biết, địa phương được giao quản lý vận hành công trình cấp nước sạch gồm 3 giếng khoan độ sâu 40-50m, tổng công suất thiết kế 470m3/ngày. Gần đây, chúng tôi mới biết công trình chưa làm thủ tục đăng ký khai thác nước. “Công trình này hoạt động từ những năm 2010, không có công nhân kỹ thuật vận hành mà cán bộ xã kiêm nhiệm quản lý, vài năm lại thay đổi người quản lý” - bà Trinh cho hay.

* Bảo vệ nguồn nước cho sử dụng lâu dài

Luật Tài nguyên nước quy định cá nhân, đơn vị khai thác nước ngầm phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt ở khu vực chưa có nguồn nước cấp, khu vực hạn chế khai thác nước phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là cơ sở để quản lý, theo dõi biến động nước ngầm, từ đó đưa ra các phương án, biện pháp điều chỉnh, kiểm soát nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ mục đích lâu dài.

Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, hiện nay nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh có mực nước ngầm thấp hơn ngưỡng trung bình. Nhiều khu vực có chiều hướng gia tăng thành phần ô nhiễm. Nếu không có giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm sẽ dẫn đến hạn hán, hố tử thần, ô nhiễm nguồn nước ngầm tác động đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư hơn 3,3 ngàn tỷ đồng nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân. Ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố nhắc nhở cá nhân, đơn vị đang khai thác nước trên địa bàn phải tuân thủ quy định lập thủ tục xin phép.

Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Nam Biên cho biết, trên địa bàn huyện có tổng cộng 30 công trình cấp nước, trong đó 28 công trình đã đầu tư và 2 công trình đang triển khai xây dựng. Theo thông báo của Sở TN-MT, nhiều công trình chưa lập thủ tục giấy phép khai thác nước, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn nhắc nhở các đơn vị quản lý vận hành tránh tình trạng công trình nhà nước quản lý lại vi phạm quy định.

Nước là tài nguyên. Cá nhân, tổ chức được khai thác nước phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nhưng phải tuân thủ quy định của Luật Tài nguyên nước. Khai khác nhiều hơn 10m3/ngày, khai thác nước tại khu vực nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành phải lập thủ tục xin phép. Việc đăng ký này nhằm đảm bảo không bị vi phạm quy định khai thác tài nguyên và giúp cơ quan quản lý theo dõi mực trữ lượng, chất lượng nước.

 

Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây