Đo lường hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ năm - 10/02/2022 07:32
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Hệ thống giám sát đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) cấp quốc gia, bao gồm 6 nhóm nội dung đi kèm bộ chỉ số giám sát, đánh giá và giao Bộ TN&MT làm cơ quan đầu mối thực thi.
Xây dựng hành lang rừng ngập mặn chắn sóng là một trong những giải pháp thích ứng đang phát huy hiệu quả cao.
Xây dựng hành lang rừng ngập mặn chắn sóng là một trong những giải pháp thích ứng đang phát huy hiệu quả cao.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý; cập nhật thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động trên và báo cáo hằng năm qua hệ thống trực tuyến.

Cụ thể, tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ban hành Hệ thống giám sát đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia (gọi tắt là Hệ thống), Chính phủ đã quy định 6 nhóm nội dung sẽ được thực hiện giám sát, đánh giá bao gồm: Công tác quản lý Nhà nước về BĐKH; Tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH; Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH; Nguồn lực cho thích ứng BĐKH; Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế; Đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Việc thiết lập và vận hành Hệ thống sẽ giúp giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là yêu cầu cấp thiết bởi hiện nay, số lượng hoạt động thích ứng ở các cấp, các ngành ngày càng lớn, kéo theo nhu cầu phân bổ nguồn vốn hợp lý và đánh giá đóng góp hướng tới mục tiêu thích ứng chung của quốc gia.

Để làm được điều này, Hệ thống cung cấp bộ 72 chỉ số giám sát, đánh giá cụ thể cho từng nội dung. Trong đó, nhóm nội dung “Tăng cường năng lực chống chịu và thích ứng BĐKH” nhiều nhất với 32 chỉ số, chia cho 9 lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; môi trường và đa dạng sinh học; tài nguyên nước; giao thông vận tải; xây dựng, đô thị; công nghiệp, thương mại và dịch vụ; y tế và sức khỏe cộng đồng; lao động, xã hội; văn hóa, thể thao, du lịch.

Tiếp đến là nhóm nội dung “Công tác quản lý Nhà nước về BĐKH” với 17 chỉ số. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách được đánh giá bằng việc đề xuất Luật biến đổi khí hậu được đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội; số lượng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thích ứng BĐKH được xây dựng và ban hành; số lượng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế cho hoạt động thích ứng BĐKH; bảo hiểm, chia sẻ rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, nội dung về quản lý rủi ro thiên tai thuộc nhóm nội dung “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH” có nhiều chỉ số cần giám sát, đánh giá nhất với 7 chỉ số. Trong đó, có cả chỉ số về tỷ lệ người dân được tiếp cận thông tin cảnh báo, dự báo; tỷ lệ hộ gia đình trong vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai được di dời đến nơi an toàn; số lượng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai chi tiết đến cấp xã được xây dựng… Điều này cho thấy, Chính phủ đang rất quan tâm đến việc các Bộ, ngành, địa phương đưa ra được các giải pháp xây dựng xã hội “phát triển an toàn trước thiên tai” theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính.

Dựa vào Bộ chỉ số này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh sẽ cung cấp thông tin về tiến độ, kết quả triển khai hành động; những khó khăn, tồn tại và kiến nghị giải quyết. Theo quy định, từ năm thứ hai, các báo cáo cần có sự so sánh kết quả đạt được với năm trước đó. Đây chính là cơ sở cho việc quản lý, điều phối và nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng với BĐKH và công tác quản lý Nhà nước về BĐKH trong thời gian tới.

Bộ chỉ số là kết quả nghiên cứu từ thực tiễn công tác thích ứng BĐKH tại Việt Nam những năm qua và kinh nghiệm quốc tế. Theo các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, các chỉ số giúp tăng cường khả năng ứng dụng thực tế của hệ thống giám sát, đánh giá và có thể phục vụ cho nhiều mục đích. Dựa vào đây, các nhà quản lý có thể theo dõi nội dung nào đạt được mục tiêu, nội dung nào đang thiếu hụt và phân tích những khó khăn, tồn tại; tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động thích ứng trong năm sau.

Việc tổng hợp các chỉ số cũng là cơ sở dữ liệu đầu vào, cung cấp bằng chứng đánh giá những hoạt động thích ứng thành công, bài học kinh nghiệm giúp định hướng cho các giải pháp hoặc chính sách trong tương lai. Là công cụ học tập, các chỉ số có thể cung cấp kiến thức có giá trị cho các tổ chức và Chính phủ để quản lý các hoạt động thích ứng.

Thích ứng với BĐKH là một quá trình, là kết quả của nhiều hoạt động được phối hợp từ các cấp, các lĩnh vực và các đối tượng. Việc nâng cao hiệu quả các hoạt động thích ứng sẽ giúp cộng đồng, người dân giảm tính dễ bị tổn thương và dần chủ động sống chung với BĐKH, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh BĐKH đang ngày càng có nhiều tác động tiêu cực hơn.

Tác giả: Khánh Ly

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây