Diễn biến tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long cuối tháng 6/2022

Thứ năm - 23/06/2022 21:56
Trên cơ sở phân tích, đánh giá diễn biến tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công trong nửa đầu tháng 6/2022, nhận định về chế độ vận hành của các hồ chứa lớn phía thượng nguồn, kết quả dự báo dài mưa, dòng chảy trên lưu vực sông Mê Công và chế độ thủy triều trong nửa cuối tháng 6/2022, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 6/2022 vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Diễn biến tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long cuối tháng 6/2022

Ảnh minh họa

Mặc dù dòng chảy tại trạm Kra-chê đang có xu thế giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, thêm vào đó dòng chảy tại các trạm ở thượng lưu từ trạm Pặc San (Trung Lào) trở lên đến trạm Viên Chăn lại có xu thế tăng, do đó dự báo trong tuần tiếp theo dòng chảy ở Kra-chê sẽ có xu thế tăng lên, đồng thời căn cứ vào thông tin từ các cơ quan khí tượng thủy văn dự báo lượng mưa nửa cuối tháng 6 ở mức tương đương với TBNN và dự báo triều của Viện Kỹ thuật biển, diễn biến tài nguyên nước tới đồng bằng sông Cửu Long trong nửa cuối tháng 6/2022 được nhận định là cao hơn so với TBNN, cụ thể như sau:

Mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu trong nửa cuối tháng 6/2022 có khả năng sẽ dao động trong khoảng từ 1,3 m đến 1,9 m, ở mức tương đương với năm 2021 và đạt giá trị lớn nhất vào khoảng tuần thứ 3 tháng 6/2022 trùng với đỉnh triều cường.

Tổng lưu lượng trung bình ngày tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong nửa cuối tháng 6/2022 được nhận định là sẽ dao động quanh mức 12.000 m3/s. Tổng lượng dòng chảy trong nửa cuối tháng 6/2022 qua hai trạm này có thể sẽ ở mức từ 10,7 đến 15,8 tỷ m3, cao hơn giá trị TBNN từ 7% đến khoảng 27%.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây