Nhằm góp phần tạo thuận lợi cho những đối thoại chính sách công xoay quanh các vấn đề kinh tế vĩ mô gắn với biến đổi khí hậu (BĐKH) và chuyển đổi năng lượng, ngày 8/5/2018, Bộ TN&MT và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã ra tuyên bố chung triển khai một chương trình nghiên cứu kinh tế về BĐKH - Chương trình GEMMES
Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á được hưởng lợi từ Chương trình này. GEMMES Việt Nam cũng là nội dung chính của Bản Thỏa thuận khung được ký kết giữa Bộ trưởng Bộ TN&MT và Tổng giám đốc AFD, trong khuôn khổ chuyến công du Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 3/2018. Với Dự án GEMMES, Chính phủ Pháp mong muốn khẳng định sự quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược dài hạn nhằm ứng phó với tác động của khí hậu, triển khai thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, qua đó đáp ứng được những cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Theo kế hoạch, GEMMES Việt Nam bao gồm 3 hoạt động chính. Cụ thể, nhóm nghiên cứu khoa học (trọng tâm của Chương trình) nghiên cứu độc lập nhằm cung cấp những dự báo về thiệt hại do khi hậu gây ra, đồng thời khuyến nghi tham vấn chính sách về các phương án thích ứng. Tiếp đó, nhóm quản lý bao gồm Bộ TN&MT với tư cách là Cơ quan thường trực của Uỷ ban Quốc gia về BĐKH, AFD, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, có nhiệm vụ là cầu nối giữa các Bộ, ngành có liên quan đến vấn đề khi hậu nhằm cung cấp những dự báo về khuyến nghi cho các cơ quan. Cuối cùng là nhóm tuyên truyền công chúng, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và cộng đồng Pháp - Việt, có nhiệm vụ phổ biến tác động của BĐKH cũng như những chiến lược nhằm tăng cường kha năng chống chịu và phục hồi. Bên cạnh đó, nhóm này cũng hỗ trợ cho các hoạt động dự báo của các nhà nghiên cứu và các cơ quan hoạch định chính sách thông qua tiếp cận với các tổ chức xã hội.
Nguyên Giám đốc AFD Fabrice Richy và Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường bấm nút tuyên bố triển khai Chương trình GEMMES ngày 8/5/2018
Ngày 1/11/2021, trong khuôn khổ COP26, tại Khu triển lãm của AFD, Cộng hòa Pháp đã diễn ra sự kiện giới thiệu Báo cáo “BĐKH ở Việt Nam: Tác động và thích ứng”. Báo cáo là sản phẩm của Chương trình GEMMES Việt Nam, gồm 4 phần và 13 chương, cung cấp thông tin ban đầu xác định các kịch bản về kinh tế - xã hội của Việt Nam khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở các mức 1,5oC, 2oC và 3oC. Báo cáo cũng phản ánh những tác động của BĐKH đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về giải pháp thích ứng với BĐKH dài hạn, trong đó tập trung vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo là kết quả nghiên cứu hợp tác của hơn 60 nhà nghiên cứu Pháp và Việt Nam, sử dụng các phương pháp khoa học, số liệu mới nhất trong các lĩnh vực liên quan.
4 phần chính của Báo cáo gồm: Phần 1. BĐKH trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đề cập tới BĐKH toàn cầu và tại Việt Nam; BĐKH và thích ứng tại Việt Nam. Phần 2. Tác động kinh tế - xã hội gồm tác động của các ngành, lĩnh vực (y tế, nông nghiệp/lúa gạo, năng lượng, sự ảnh hưởng đến năng suất lao động…). Phần 3. BĐKH tại đồng bằng sông Cửu Long, gồm những tác động của BĐKH ở đồng bằng sông Cửu Long, quản trị nguồn lực, vấn đề về tài nguyên nước, sụt lún, xâm nhập mặn và những rủi ro do tác động xuyên biên giới, chiến lược thích ứng với BĐKH cho đồng bằng sông Cửu Long. Phần 4: Tác động kinh tế vĩ mô của BĐKH, gồm các chính sách thích ứng với BĐKH từ Trung ương đến địa phương; tài chính thích ứng và lộ trình đầu tư ở Việt Nam; tác động kinh tế vĩ mô của BĐKH và thích ứng với BĐKH tại Việt Nam. Tóm tắt các chương, phần và tóm tắt chung của Báo cáo được trình bày bằng 3 ngôn ngữ. Các khuyến nghị được đề xuất trong từng chương và phần của báo cáo.
Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường cho biết, Chương trình GEMMES được triển khai nhằm ứng dụng các phương pháp nghiên cứu mới nhất về tác động lên sự phát triển kinh tế của BĐKH, qua đó đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như quỹ đạo thích ứng của Việt Nam. Các đánh giá của Chương trình sau đó vừa được sử dụng để xác định vị thế quốc tế của Việt Nam trong đàm phán về khí hậu, vừa nhằm mục đích nội bộ khi tối ưu hóa các khoản đầu tư cho thích ứng ở cấp tỉnh. Cục trưởng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong thời gian qua, đây là kết quả giữa kỳ của Chương trình với những thông tin phân tích phong phú, là nguồn tư liệu tham khảo hữu ích cho việc xây dựng Chiến lược quốc gia về BĐKH và các quy hoạch, chiến lược thích ứng với BĐKH của Việt Nam. Cục trưởng cũng trân trọng cảm ơn AFD, IRD và các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học đã tham gia nghiên cứu xây dựng Báo cáo. Cục trưởng.
Các đại biểu tham dự sự kiện giới thiệu Báo cáo
Ông Hervé Conan, Giám đốc AFD chia sẻ, Chương trình GEMMES đã được triển khai thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Bờ Biển Ngà, Tunissia, Colombia. Tại châu Á, Pháp lựa chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên thụ hưởng bởi những tác động nặng nề của BĐKH tại đây. Dự án nghiên cứu GEMMES Việt Nam được tài trợ bằng nguồn vốn của Quỹ Facilité 2025, đây là quỹ vốn được lập nên để hỗ trợ các nước phát triển theo quỹ đạo tương thích với Thỏa thuận Paris với tầm nhìn đến 2050 và AFD cũng phụ trách triển khai tài trợ từ Quỹ này. Dự án được bắt đầu vào mùa thu năm 2019 và Báo cáo cũng đã được lên chương trình vào hè năm 2020 để chuẩn bị cho Hội nghị COP 26. Việc trao chính thức Báo cáo cho Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam vào ngày đầu tiên của Hội nghị COP 26 nhằm cụ thể hóa tầm quan trọng của Dự án trong việc nghiên cứu các chính sách khí hậu tại Việt Nam. Tuyên bố chính thức của Thủ tướng Việt Nam về mục tiêu giảm phát thải các bon đến năm 2050 đã khẳng định vị trí trọng tâm của vấn đề khí hậu đối với quốc gia.
Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng các chiến lược thích ứng mang tầm quốc gia, hướng các giải pháp ứng phó và tăng cường khả năng phục hồi theo quỹ đạo chung. Tuy mới đi được nửa chặng đường nhưng Chương trình GEMMES Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, Báo cáo GEMMES đưa ra cho chúng ta chỉ dẫn về những thách thức phải vượt qua và về những hướng giải pháp cụ thể. Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này, đã được Bộ TN&MT phê duyệt, có thể trở thành một cơ sở tham chiếu cho toàn bộ các tác nhân mong muốn hỗ trợ quá trình chuyển dịch nói trên nhằm tạo thuận lợi cho những giải pháp đồng thuận, có tham vọng và được tất cả các bên cùng hỗ trợ.
Ông Espagne Etienne, AFD trình bày Báo cáo BĐKH ở Việt Nam - tác động và thích ứng tại COP26
Theo TS. Etienne Espagne, chuyên gia kinh tế của AFD Paris, Trưởng Dự án Gemmes Việt Nam, Báo cáo trình bày những biện pháp về lộ trình khí hậu đối với Việt Nam, dự báo tầm nhìn đến năm 2050 và 2100, phù hợp với nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, y tế, năng suất lao động, năng lực đổi mới của các doanh nghiệp… Những đánh giá theo ngành này cũng cho phép cung cấp dữ liệu cho mô hình vĩ mô mà GEMMES phát triển tại AFD và nhờ đó, đo lường được những tác động kinh tế vĩ mô cho quốc gia. Đối với Việt Nam, trong Báo cáo này, chúng tôi dự báo rằng, khi nhiệt độ tăng lên 1.5 °C so với thời kỳ tiền công nghiệp, quốc gia có thể sẽ thiệt hại 4.5% GDP; khi nhiệt độ tăng 2°C, thiệt hại về GDP sẽ là 7%. Đây là những giá trị trung vị dựa trên trung bình các kịch bản khí hậu khác nhau, mà bản thân những kịch bản khí hậu này cũng có tính biến đổi lớn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rằng các tác động về mặt kinh tế vĩ mô có xu hướng làm gia tăng (gần 30%) các tác động trực tiếp lên các lĩnh vực khác nhau.
TS. Etienne Espagne nhấn mạnh, đối với mỗi lĩnh vực được nghiên cứu, chúng tôi gợi ý, đề xuất những hướng hạn chế tác động riêng. Để làm điều đó, chúng tôi nghiên cứu các chính sách thích ứng đã được triển khai tại Việt Nam cho tới hiện nay, sự tuần hoàn của các dòng tài chính quốc tế và khu vực triển khai cho mảng thích ứng, cũng như cách thức mà người dân địa phương huy động nguồn vốn để đối mặt với các hiện tượng khí hậu cực đoan. Giai đọạn này, chúng tôi vẫn chưa thực hiện đánh giá định lượng kinh tế vĩ mô các chiến lược thích ứng. Đây là chương trình cho năm cuối của Dự án. Trước khi nói về thích ứng, điều thiết yếu trước tiên là phải đánh giá tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng công việc của chúng tôi đã cho phép hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc soạn thảo thông tư về thích ứng để áp dụng trong khuôn khổ Luật BVMT năm 2020. Thông tư này dự kiến sẽ được ban hành vào đầu năm 2022. Thời gian tới, AFD sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT cùng Ủy ban Quốc gia về BĐKH nhằm ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới nhất về các tác động kinh tế của BĐKH. Qua đó, đưa ra những đánh giá về khả năng thiệt hại cũng như các quỹ đạo thích ứng của Việt Nam, nhằm tối ưu hóa các khoản đầu tư cho thích ứng ở cấp tỉnh và xác định vị thế quốc tế của Việt Nam trong đàm phán BĐKH để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đã đề ra trong Chương trình GEMMES.
Tác giả: Bùi Hằng
Nguồn tin: tapchimoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn