Trồng cây xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính
Lan tỏa hoạt động xanh
Trong xu thế phát triển theo hướng bền vững, nhiều tổ chức đã và đang dành nhiều nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhiều đơn vị còn có nhiều hoạt động thiết thực, chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo chia sẻ của ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành sản xuất của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Vinamilk vừa ký kết với Bộ TN-MT triển khai hoạt động “Trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero”. Chương trình sẽ khảo sát thực tế để tiến hành trồng cây, gây rừng hiệu quả, hình thành những “vùng xanh” điển hình, mang đến các lợi ích tổng thể cho môi trường, cộng đồng. Cũng theo ông Lê Hoàng Minh, từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ TN-MT đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố, với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Dự án “Trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero” là minh chứng cho những cam kết, nỗ lực hành động vì môi trường, vì cuộc sống tương lai và vì một Việt Nam xanh.
Theo TS Vũ Thị Quyền, Trưởng Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang, hưởng ứng đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Văn Lang cũng đã phối hợp với GreenViet và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai dự án “Trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2022-2030” tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Tại TPHCM, Trường Đại học Văn Lang đã làm việc với Sở GD-ĐT và Sở TN-MT để phối hợp xây dựng mô hình “Trường học xanh”; phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM triển khai các mô hình “Khu dân cư xanh, sạch đẹp”. Theo kế hoạch, từ năm 2023 đến năm 2030, Trường Đại học Văn Lang và GreenViet sẽ cung cấp khoảng 400.000 cây xanh đô thị cùng phân bón để các đơn vị tiến hành trồng trên địa bàn TPHCM.
Bà Bob Plishka, Giám đốc toàn cầu bộ phận Quan hệ đối tác doanh nghiệp chiến lược, Công ty Dow, cũng cho biết, kể từ khi thành lập, Công ty Dow đã tài trợ gần 10 triệu USD thông qua Quỹ Tác động kinh doanh nhằm giải quyết nhiều thách thức trên thế giới. Các dự án được chọn đề cập đến các sáng kiến biến đổi rác thải và vòng tuần hoàn, bảo vệ khí hậu, bảo tồn nguồn nước và đa dạng sinh học. Tại Việt Nam, Công ty Dow sẽ triển khai dự án “Giải pháp quản lý rác thải nhựa tổng hợp cho trang trại nuôi tôm tại ĐBSCL”. Để giải quyết các thách thức ngày càng tăng trong hoạt động thu gom, làm sạch, sơ chế và tái chế rác thải nhựa của ngành nuôi trồng thủy sản, nhân viên tại 30 trang trại nuôi trồng thủy sản sẽ được đào tạo cách xử lý vật liệu, tái chế rác thải và tuân thủ quy định về môi trường, sức khỏe và an toàn. Dự án sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 3-2023.
Tăng cường hợp tác và kết nối
Chia sẻ tại diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng có nhiều mối nguy đe dọa và tác động tiêu cực đến môi trường, khí hậu thì việc làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Theo ông Alain Cany, không quốc gia nào có thể đạt được phát triển bền vững nếu không có các chương trình nghị sự để giải quyết các vấn đề này. Việt Nam chỉ có thể đạt được một quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ thông qua quá trình chuyển đổi toàn xã hội để định hình lại cách sống của mọi người và cách tiếp cận phát triển kinh tế. Triển lãm kinh tế xanh 2022 có thể và sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này thông qua sức mạnh của quan hệ đối tác song phương giữa Việt Nam và châu Âu.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN-MT, cũng cho biết, BĐKH đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội và phát triển bền vững. Để hạn chế những tác động đến môi trường, Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế carbon thấp và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng xác định, để có thể đạt được các mục tiêu đã cam kết, bên cạnh những nỗ lực từ nội lực của quốc gia thì việc tăng cường đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các tổ chức quốc tế để nhận được sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính… cũng được xem là giải pháp then chốt. Ông Trần Hồng Hà thông tin thêm, khoảng 100 năm trước, Hà Lan đã tìm ra giải pháp sống chung với BĐKH vì 1/3 diện tích lãnh thổ dưới mực nước biển. Đó chính là giải pháp “thuận thiên”, tránh tác động đến thiên nhiên, kinh tế phải dựa trên sự cân bằng của hệ sinh thái. Hà Lan là một hình mẫu về ứng phó với BĐKH mà các quốc gia có thể trao đổi, chia sẻ và học tập.
Nguồn tin: www.sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn