“Chúng ta là một phần của giải pháp – Vì thiên nhiên”

Thứ ba - 18/05/2021 09:15
Ngày 22/5 - Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 có chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp – Vì thiên nhiên"". Chủ đề này tiếp nối xuyên suốt với thông điệp năm 2020 “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên" như một lời nhắc nhở đa dạng sinh học vẫn là giải pháp quan trọng, là một lựa chọn cho sự phát triển bền vững.  

Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Môi trường đăng tải bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, hai năm liên tiếp, chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học đều hướng đến thông điệp sống hài hòa với tự nhiên, thuận theo tự nhiên để hướng đến phát triển bền vững. Xét trong bối cảnh suy thoái tự nhiên gia tăng và biến đổi khí hậu, thông điệp này có ý nghĩa như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tài: Đa dạng sinh học (ĐDSH) và hệ sinh thái (HST) cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Cụ thể như các rạn san hô và thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn song, bảo vệ bờ biển. Các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ, rừng và cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất. Các cơ sở hạ tầng tự nhiên có tính bền vững, do đó tiết kiệm chi phí đầu tư của Chính phủ.  Mặc dù vậy, ĐDSH trên toàn cầu đang bị suy thoái, tình trạng này đe dọa đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, Liên hợp quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm thúc đẩy bảo tồn ĐDSH, sống hài hòa với thiên nhiên nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và phát triển bền vững.

Tiếp theo chủ đề Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2020, năm 2021  với chủ đề “Chúng ta là một phần của giải pháp - Vì thiên nhiên" nhấn mạnh thông điệp để sống hài hòa với thiên nhiên; bảo tồn ĐDSH và bảo vệ thiên nhiên có rất nhiều giải pháp và con người là trung tâm trong các giải pháp này. Các giải pháp của con người dựa vào thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các HST trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt, cũng như HST biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công ước ĐDSH cũng nhấn mạnh, con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên. 

 PV:  Để lan tỏa thông điệp “Chúng ta là một phần của giải pháp", Bộ TNMT sẽ tổ chức các hoạt động gì để hưởng ứng, thưa ông?  Ông có chia sẻ gì với bạn đọc cả nước về những hành động đơn giản mà thiết thực bảo vệ môi trường nói chung và đa dạng sinh học nói riêng?

Ông Nguyễn Văn Tài: Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2021 diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp. Do đó, các hoạt động hưởng ứng sẽ không được tổ chức rầm rộ như các năm trước. Mới đây, Bộ TN&MT đã gửi công văn tới các Bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc triển khai các hoạt động: Xây dựng tin, bài, phóng sự truyền thông để phổ biến tới cán bộ và người dân về vẻ đẹp, vai trò, tầm quan trọng của ĐDSH, các di sản thiên nhiên; các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn ĐDSH; Nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận HST trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận HST trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng; Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan; Giới thiệu các hoạt động nổi bật, phổ biến các mô hình, giải pháp bảo tồn ĐDSH hiệu quả, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng trong dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai Chương trình vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020 nhằm động viên, khuyến khích các “gương mặt" điển hình trong công tác bảo tồn loài hoang dã nói riêng, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

Để bảo vệ môi trường sống trong lành, duy trì được các dịch vụ hệ sinh thái trên trái đất- ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người đều có thể góp sức bằng những hành động đơn giản, như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về đa dạng sinh học, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp, không nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại; gìn giữ các tri thức truyền thống về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên…

PV: Dưới góc độ quản lý, ông đánh giá như thế nào về thực trạng đa dạng sinh học của Việt Nam. Thời gian tới cần làm gì để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tài: Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú, đa dạng của các hệ sinh thái, các loài và tài nguyên di truyền. Các kết quả điều tra cho thấy, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật thuộc loại đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Đa dạng sinh học đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của một bộ phận không nhỏ dân cư, đặc biệt với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thu nhập chủ yếu đều dựa vào việc khai thác đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đa dạng sinh học Việt Nam đang bị đe dọa và ngày càng suy thoái, nhất là các hệ sinh thái tự nhiên. Hệ sinh thái đất ngập nước lại đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cực đoan; rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 0,57 triệu ha, chỉ 1% các rạn san hô có độ phủ trên 75%, số loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam ngày càng tăng với 1.112 loài. Môi trường hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, vùng biển ven bờ đang chịu ảnh hưởng do xung đột giữa phát triển khu công nghiệp và bảo tồn ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, rác thải từ nhà máy công nghiệp ở miền Trung, phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vũng, vịnh. Diện tích các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng tràm, hồ tự nhiên có xu hướng suy giảm; các kiểu đất ngập nước nhân tạo như hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải… có chiều hướng gia tăng. Vùng đầm lầy than bùn cũng bị thu hẹp diện tích và giảm độ dày. Năm 1950, khu vực rừng Tràm vùng U Minh có đến 400.000 ha, đến nay, sau 70 năm chỉ còn 10.300 ha với độ dày từ 0,4-1,2 m. Thảm cỏ biển cũng giảm 50% diện tích năm 2012 so với năm 1999. Đầm phá lớn nhất là Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên-Huế) đã giảm tới 60%.

Trước thực trạng này, việc tăng cường hiệu quả bảo tồn thiên nhiên và (BTTN và ĐDSH) tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ cấp bách của quốc gia. Để làm được điều này, thời gian tới Bộ TNMT đã định hướng sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực thi và hoàn thành các văn bản pháp luật về quản lý ĐDSH, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT (sửa đổi) sau khi được ban hành (đối với các nội dung về ĐDSH); Xây dựng dự án sửa Luật ĐDSH; xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, các cấp và cộng đồng trong BTTN và ĐDSH trên toàn quốc; thống nhất hệ thống khu di sản thiên nhiên trên toàn quốc; huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác BTTN và ĐDSH.

Bộ TN&MT tiếp tục triển khai xây dựng các đề án phục hồi hệ sinh thái; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước; thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn theo quy hoạch bảo tồn ĐDSH; Triển khai Đề án kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH nhằm xây dựng, vận hành được cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia và Trang thông tin về Di sản thiên nhiên và ĐDSH, kết nối với địa phương. Thí điểm thực hiện điều tra, đánh giá, quan trắc, giám sát ĐDSH theo hệ sinh thái; đề xuất nghiên cứu cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái lưu vực sông Mekông…

Để bảo tồn đa dạng sinh học, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc khoanh vùng bảo tồn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và ĐDSH theo quy định của pháp luật về ĐDSH và pháp luật có liên quan; tăng cường năng lực quản lý các khu BTTN, di sản thiên nhiên; cơ sở bảo tồn ĐDSH; xây dựng khuôn khổ chính sách và pháp lý bảo tồn, bảo vệ các hành lang ĐDSH, khu vực ĐDSH cao; bảo vệ, bảo tồn giá trị sinh thái của thiên nhiên, môi trường tự nhiên.

Cần xây dựng đề xuất một số mô hình về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH và áp dụng thí điểm mô hình cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen; chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển và đất ngập nước; lượng giá ĐDSH; bồi hoàn ĐDSH; đánh giá tác động ĐDSH trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội; mô hình quản lý hiệu quả di sản thiên nhiên; mô hình ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại…

Ngoài ra cần tăng cường hợp tác quốc tế trong BTTN và ĐDSH nhằm huy động các nguồn lực cho công tác BTTN và ĐDSH; đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý bảo tồn ĐDSH và truyền thông nâng cao nhận thức về BTTN và ĐDSH.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn tin: Cổng TTĐT Tổng cục Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây