Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn; xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải; các hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn.
Cụ thể, dự kiến vào tháng 10/2021, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường và Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến quản lý chất thải rắn; các quy định về phương pháp định giá dịch vụ xử lý rác thải; tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý rác thải.
Trong năm 2021-2022, Bộ TN&MT nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; các hướng dẫn kỹ thuật về thu gom, phân loại rác thải tại nguồn để các địa phương triển khai theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Trong năm 2022, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, trong đó có nội dung về định hướng vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng, cấp quốc gia.
Đối với các quy chuần, tiêu chuẩn môi trường, dự kiến trong năm 2021, Bộ TN&MT sửa đổi QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt theo hướng ban hành chung một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với khí thải công nghiệp, trong đó có quy định về khí thải lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Các quy định kỹ thuật về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt sẽ được ban hành chung trong một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải, bao gồm lò đốt chất thải công nghiệp, lò đốt chất thải rắn y tế và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện trong năm 2021.
Về lâu dài, trong năm 2022-2023, Bộ TN&MT nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và áp dụng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải. Từ đó, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đối với việc cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Các hoạt động thanh kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn trên phạm vi toàn quốc sẽ được tiến hành thường xuyên hàng năm.
Chỉ thị số 41/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn được ban hành cuối năm 2020. Trong Chỉ thị này, Thủ tướng đã giao cho 10 Bộ và UBND các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình. Các giải pháp này kỳ vọng hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hiện nay đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, trong đó chú trọng công tác phân loại rác thải tại nguồn; trường hợp chưa đủ điều kiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn cần ưu tiên việc đầu tư các cơ sở xử lý có công đoạn phân loại tập trung trước khi xử lý; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến hiện đại, tận dụng các thành phần có ích trong chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu sản xuất, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn