Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre vừa mới giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện quan trắc chất lượng không khí xung quanh khu vực đô thị và nông thôn, làng nghề, khu công nghiệp - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các nguồn phát thải khác, bao gồm: khu vực xử lý chất thải rắn, lò đốt rác và các nguồn di động tại 27 điểm quan trắc trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Qua kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khá tốt. Hầu hết các vị trí quan trắc có nồng độ O3, CO, NO2, SO2 hiện diện trong không khí ở mức thấp hơn so với quy chuẩn. Tại một vài vị trí quan trắc cho thấy vấn đề bụi là vấn đề đáng lưu ý có ảnh hưởng đến chất lượng không khí, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội gây phát sinh khí thải ảnh hưởng chất lượng không khí xung quanh.
Cụ thể, vấn đề quản lý khí thải được chủ đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn quan tâm, chú trọng. Các cơ sở sản xuất có nguồn xả thải khí lớn có đầu tư lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý khí thải thường xuyên như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Hiện nay, ô nhiễm môi trường không khí tại các khu công nghiệp vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với số lượng, quy mô, ngành nghề công nghiệp khá đa dạng và phát triển nhanh chóng, vấn đề suy thoái và ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp có thể sẽ trở nên nghiêm trọng nếu công tác bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức.
Về thực trạng quản lý môi trường không khí trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh Bến Tre đã và đang theo dõi, giám sát và kiểm tra xử lý rác thải của Nhà máy chế biến rác Bến Tre và hệ thống xử lý nước thải tập trung của 02 khu công nghiệp; đồng thời, đang tiếp tục nghiên cứu áp dụng mô hình xử lý khí thải và thực hiện lộ trình xử lý ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất than thiêu kết.
Ngoài ra, ngành chức năng của tỉnh Bến Tre vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới quy trình công nghệ, áp dụng các công nghệ sạch; buộc đầu tư các công trình xử lý chất thải nhằm xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; theo dõi chặt chẽ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của các dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên thanh, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre; chủ động xây dựng hệ thống quan trắc, thực hiện các chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về môi trường; chuẩn bị lập dự án xây dựng 3 trạm quan trắc chất lượng không khí cố định, tự động liên tục trên địa bàn tỉnh Bến Tre, để triển khai vào năm 2022.
Bến Tre luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó có chất lượng môi trường không khí
Theo UBND tỉnh Bến Tre, đối với việc thực hiện quy chế thu thập, quản lý, cập nhật khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Bến Tre, thì hệ thống tổ chức và phân công trách nhiệm quản lý môi trường được cơ cấu thành 3 cấp. Trong đó, cấp tỉnh là cấp cao nhất với cơ quan chuyên trách là Sở TN&MT; các tổ chức, đơn vị của Sở TN&MT có liên quan trực tiếp, bao gồm: Phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu, Thanh tra, Trung tâm quan trắc TN&MT là đơn vị sự nghiệp thực hiện chức năng quan trắc môi trường tỉnh.
Tại Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre, Phòng Quản lý TN&MT thực hiện vai trò tham mưu và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ban Quản lý về công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, còn có Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh là lực lượng tham gia trong công tác phòng chống vi phạm, tội phạm về môi trường của tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và hoàn thành các công trình xử lý môi trường; đồng thời, thực hiện quan trắc môi trường định kỳ theo quy định, trong đó có đánh giá chất lượng môi trường không khí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ kiểm tra liên ngành về bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn