Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường

Thứ năm - 19/08/2021 06:09
Mới đây, cử tri tỉnh Khánh Hòa có ý kiến đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, công tác bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm.

Nhận thức rõ những thách thức, áp lực rất lớn của công tác bảo vệ môi trường, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rà soát, đánh giá thực trạng, xác định các vấn đề bất cập về chính sách và xây dựng các quy định mới, trình Quốc hội thông qua tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường. Luật cũng có nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;…

Bên cạnh đó, để giải quyết các vấn đề môi trường đang được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm thời gian qua (ô nhiễm môi trường không khí, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Chỉ thị (Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí), trong đó đã phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai ngay.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm gồm: Xây dựng các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm sẵn sàng triển khai có hiệu quả

Triển khai xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với sức chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để theo dõi, giám sát.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước tiên tiến trong khu vực nhằm thiết lập các hàng rào kỹ thuật duy trì và bảo vệ chất lượng môi trường, đảm bảo sự chủ động đề kháng trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Thứ hai là, thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai 4 nhóm nhiệm vụ gồm:

(1) đề cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu khi lựa chọn dự án và nhà đầu tư trên cơ sở xem xét hài hòa lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia, mời đội ngũ chuyên gia giỏi để tư vấn trong quá trình thẩm định, khắc phục tình trạng cấp phép khi chưa có đủ căn cứ, nguồn lực, dẫn đến khá nhiều dự án không có tính khả thi;

(2) chủ động ban hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn; khoanh vùng các đối tượng chính gây ra những vấn đề môi trường bức xúc để chủ động kiểm soát chặt chẽ;

(3) tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường;

(4) thực hiện tốt nguyên tắc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, quần chúng nhân dân từ hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách pháp luật, huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường./.

Nguồn tin: Cổng TTĐT Tổng cục Môi trường

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây