Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Thị Thu Linh cho biết, qua thực tiễn 03 năm triển khai thi hành Thông tư số 47/TT-BTNMT đã cho thấy có những vướng mắc và đề nghị tháo gỡ từ các địa phương và các doanh nghiệp. Trong đó, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hệ thống giám sát; các tổ chức, cá nhân cũng gặp khó khăn trong việc thuê đơn vị tư vấn hoặc chậm trễ trong việc nhập khẩu, lắp đặt các thiết bị quan trắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó dẫn đến việc nhiều chủ giấy phép khai thác, sử dụng nước chưa hoàn thành nghĩa vụ kết nối, truyền dữ liệu vào hệ thống giám sát trước 31/12/2019 theo quy định của Thông tư. Ngoài ra, các địa phương cũng đề nghị hướng dẫn rõ việc xây dựng hệ thống giám sát, gồm thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu, phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu của hệ thống giám sát... để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Cục cũng nhận được một số ý kiến đề nghị liên quan đến điều chỉnh tần suất giám sát, giảm quy mô lưu lượng công trình khai thác nước dưới đất phải thực hiện việc giám sát tự động, trực tuyến; quy định rõ tần suất, thông số giám sát chất lượng nước; các hướng dẫn liên quan đến việc quan trắc, giám sát lưu lượng xả dòng chảy tối thiểu, quan trắc mực nước đối với các giếng khoan đường kính nhỏ, việc cập nhật số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát...
Việc xây dựng để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT là cần thiết nhằm bảo đảm tuân thủ và phù hợp với quy định của Luật tài nguyên nước và các quy định khác có liên quan; bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế ở trung ương và địa phương.
Tại cuộc họp, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng báo cáo những nội dung cơ bản của Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT được ban hành là cuộc cách mạng lớn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả về công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trong thời gian qua. Đây chính là công cụ quan trọng phục vụ công tác quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước của các công trình đã được cấp giấy phép tài nguyên nước để cơ quan quản lý có đầy đủ cơ sở quản lý, đánh giá việc tuân thủ thực hiện nội dung quy định của giấy phép và các quy định của pháp luật về tài nguyên nước để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp và đảm bảo giảm thiểu tối đa các tác động do hoạt động khai thác, sử dụng và xả nước thải gây ra.
Đồng thời, thông qua việc tuân thủ giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Thông tư 47/2017/TT-BTNMT cũng đã góp phần quan trong trọng việc nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các tổ chức cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị tham dự cũng đã đóng góp các ý kiến liên quan đến các quy định về hình thức giám sát, hệ thống giám sát, các yêu cầu về hạ tầng, cơ sở dữ liệu giám sát, thiết bị đo đạc, kết nối, truyền số liệu của cơ sở có công trình; giám sát hoạt động khai thác đối với công trình hồ chứa để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cho các mục đích khác; Giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất ;... Các ý kiến phát biểu cũng nhất trí cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT là rất cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành về công tác quản lý khai thác, sử dụng nước, đảm bảo tỉnh khả thi, thuận lợi cho các tổ chức cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh Cục Quản lý tài nguyên nước đã cầu thị, tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương và doanh nghiệp, tổng kết thực tiễn triển khai thực hiện Thông tư trong gần 4 năm qua nhằm có những đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc, phù hợp với tình hình thực tế thực hiện quy định về giám sát khai thác, sử dụng nước ở trung ương và địa phương.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao tinh thần phối hợp của các đơn vị trong việc triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Thông tư. Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tiếp thu các ý kiến của các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Thông tư. “Cần sửa đổi, bổ sung Thông tư trên tinh thần khoa học và dễ thực hiện hơn, đảm tính khả thi khi triển khai đưa Thông tư vào thực tiễn cuộc sống” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn