Theo QCVN 01:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu để đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường của nguồn phát sinh ô nhiễm (hoặc nhà, công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm). Tại Điều 53 khoản 2 Luật BVMT năm 2020 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc 5 trường hợp sau phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư bao gồm: (a) Có chất dễ cháy, dễ nổ; (b) Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ; (c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật; (d) Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người; (đ) Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Trên cơ sở đó, nguyên tắc xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trong Dự thảo Nghị định có thể căn cứ vào khoảng cách an toàn từ cơ sở xử lý chất thải được tính từ nguồn phát thải (lò đốt chất thải, công trình xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn). Đồng thời, khoảng cách trên cũng có thể được hiểu là khoảng cách ngắn nhất từ ranh giới cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến ranh giới khu dân cư gần cơ sở, kho tàng nhất. Dự thảo quy định có thể đề xuất khoảng cách an toàn về môi trường tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn đã được nêu trong quy chuẩn về quy hoạch xây dựng đã được ban hành.
Cũng theo định hướng trên, khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư cần được xác định trên cơ sở quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh và phải đảm bảo được các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố về: (1) Điều kiện tự nhiên: Địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất công trình, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; (2) Điều kiện kinh tế - xã hội: Sự phân bố dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng tăng trưởng kinh tế, tổ chức quản lý hành chính khu dân cư, di tích lịch sử - văn hóa, an ninh và quốc phòng; (3) Các yếu tố về cơ sở hạ tầng: Giao thông, thu gom và xử lý chất thải, hiện trạng sử dụng đất, phân bố hiện trạng và quy hoạch phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, hệ thống cấp thoát nước và mạng lưới điện. (4) Lộ trình thực hiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường do UBND cấp tỉnh ban hành.
Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đến khu dân cư cần đảm bảo được các yêu cầu về vệ sinh, an toàn và môi trường
Đi vào chi tiết, khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định có thể quy định cụ thể theo hướng: Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất dễ cháy tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định pháp luật về dầu khí. Trường hợp có chất dễ nổ, tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật về quản lý vật liệu nổ. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ.
Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất độc hại đối với người và sinh vật có thể tiếp cận định hướng như sau: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II phải quy hoạch ngoài khu vực xây dựng đô thị; Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có mức độ độc hại cấp III, cấp IV phải quy hoạch trong khu công nghiệp. Khu công nghiệp phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định pháp luật về xây dựng. Cấp độc hại và khoảng cách an toàn môi trường tuân thủ theo các quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người, cũng cần phải xem xét phương án cụ thể với từng đối tượng như: Cơ sở chăn nuôi, chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, thuộc da, chế biến mủ cao su, tinh bột sắn, bột ngọt, cơ sở sản xuất và kho tàng chứa chứa hóa chất bảo vệ thực vật. Đồng thời, tham khảo các số liệu cụ thể về khoảng cách an toàn theo quy chuẩn xây dựng đối với cơ sở xử lý chất thải rắn có chôn lấp chất thải rắn vô cơ, cơ sở xử lý có chôn lấp chất thải rắn hữu cơ, cơ sở xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học để sản xuất phân bón, cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại có sử dụng lò đốt chất thải. Ngoài nhóm đối tượng trên, các cơ sở hỏa táng và công trình chứa lò hỏa táng đến khu dân cư cũng phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường.
Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cũng cần xem xét các yêu cầu về khoảng cách an toàn theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các quy định liên quan.
Trong quá trình xây dựng Nghị định, Tổng cục Môi trường - đơn vị xây dựng Dự thảo Nghị định dự kiến liệt kê các đối tượng sản xuất thuộc 5 nhóm trên để quy định khoảng cách an toàn về môi trường. Tuy nhiên, thực tế sẽ gặp khó khăn khi phải giải quyết việc di dời các cơ sở, hoặc hộ dân không đảm bảo khoảng cách an toàn (lộ trình do UBND tỉnh quyết định). Trong khi đó, kết quả nghiên cứu về khoảng cách an toàn về môi trường cho các loại hình thuộc 5 nhóm trên còn ít và hạn chế, đặc biệt là đối tượng nhóm c và d; do đó danh sách đề xuất chủ yếu tham khảo quy chuẩn xây dựng QCVN 01:2019 của Bộ Xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng về quy hoạch đô thị TCVN 4449:1987 của Bộ Xây dựng. Hiện nay, có một số biện pháp đối với các cơ sở đang tồn tại như: Các cơ sở đề xuất biện pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm thiểu tác động môi trường đến khu dân cư; hạn chế việc mở rộng, tăng quy mô đối với các cơ sở chưa đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường; di dời hộ dân ra khỏi khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc di dời cơ sở đang hoạt động. Mặc dù vậy, các biện pháp này đều có thể gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện trên thực tế.
Có thể nói, việc xây dựng quy định chi tiết khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT năm 2020 là rất cần thiết để tạo môi trường sống trong lành, nâng cao chất lượng môi trường tại các khu dân cư hiện hữu. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra hiện nay.
Quý độc giả quan tâm đến nội dung của bài viết xin gửi góp ý về nội dung quy định khoảng cách an toàn về môi trường vào hòm thư điện tử vuhung@vea.gov.vn để trao đổi, thảo luận.
Vũ Thế Hưng
Vụ Thẩm định Đánh giá tác động môi trường, Tổng cục Môi trường
Nguồn tin: Tạp chí Môi trường số 4/2021
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn