Phải quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục môi trường không khí

Thứ ba - 11/01/2022 20:41
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, Nghị định đã quy định chi tiết các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường về bảo vệ các thành phần môi trường (nước, không khí, đất) và di sản thiên nhiên.
Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Kiểm soát các nguồn phát thải bụi, khí thải  theo quy định

Nghị định quy định, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật. Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng. Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.

Tong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc ứng phó sự cố môi trường phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường. Ứng phó sự cố môi trường thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường...

Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp  như hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có lưu lượng xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ; tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.

Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí

Để quản lý chất lượng môi trường không khí, Nghị định cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp tổng thể đó là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định kỹ thuật; tổ chức, kiện toàn nguồn nhân lực; công cụ kỹ thuật, công nghệ, mô hình hóa; công cụ tài chính, chế tài kiểm soát ô nhiễm không khí; vận hành hiệu quả các chương trình quan trắc môi trường, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng môi trường không khí và nguồn thải, tăng cường thống kê, kiểm kê nguồn thải và hoàn thiện hệ thống dữ liệu chất lượng không khí;

Kiểm soát nguồn điểm (nguồn phát sinh khí thải từ hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, lò đốt rác): giảm thiểu phát thải tại nguồn thông qua việc xử lý hoặc thay thế nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, tăng cường tuần hoàn, tái sử dụng nguyên vật liệu để giảm thiểu phát thải các khí thải gây ô nhiễm không khí, dụng cụ, cải thiện hoặc thay đổi công nghệ, thiết bị sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn; giảm mức độ tích tụ chất ô nhiễm thông qua việc quy hoạch hợp lý vị trí đặt nhà máy, phát thải gián đoạn, nâng cao ống khói, áp dụng hiệu quả các công nghệ xử lý bụi, SO2 và NOx phát sinh trong quá trình sản xuất;

Kiểm soát nguồn di động (nguồn phát sinh khí thải từ hoạt động giao thông): xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng và phương tiện giao thông; quản lý giao thông và thay đổi thói quen, hành vi của cộng đồng theo hướng thân thiện môi trường khi tham gia giao thông; các giải pháp giảm phát thải của phương tiện giao thông bao gồm áp dụng lộ trình quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn phát thải và kiểm định tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện đang lưu hành; xây dựng lộ trình nâng cấp chất lượng phương tiện đang lưu hành nhằm đáp ứng tiêu chuẩn phát thải tương ứng; giám sát chất lượng nhiên liệu và chuyển đổi sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch hơn; lắp thiết bị xử lý khí thải đối với phương tiện mới và các giải pháp khác;

Kiểm soát nguồn diện (nguồn phát sinh khí thải từ các hoạt động dân sinh, đốt sinh khối hở, đốt rác thải): giảm thiểu thải lượng các chất ô nhiễm, cường độ hoạt động, lượng nhiên liệu tiêu thụ hàng tháng từ các hoạt động phát triển đô thị và nông thôn như: hộ gia đình, cửa hàng bán gas, bãi đỗ xe với công trình xây dựng, làng nghề, đốt rác, đốt rơm rạ, trồng trọt, chăn nuôi và các nguồn diện khác có khả năng phát sinh khí thải. Các giải pháp thực hiện tập trung vào tăng cường tái sử dụng, tái chế nguyên, vật liệu, sản phẩm tiêu dùng, cải thiện hoặc thay đổi công nghệ sản xuất sạch, dịch vụ thân thiện với môi trường, áp dụng hiệu quả các công nghệ xử lý bụi, SO2 và NOx và các giải pháp khác.

Tác giả: Thảo Linh

Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây