Luật BVMT năm 2020 được thông qua với 16 Chương, 171 Điều (giảm 4 chương và tăng 1 điều so với Luật BVMT năm 2014), trong đó có 65 nội dung giao Chính phủ quy định. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm tới hơn 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20 – 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các TTHC vào một giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án. Đồng thời, Luật BVMT năm 2020 có sửa đổi, bổ sung một số TTHC và ban hành mới một số TTHC. Cụ thể, có 4 thủ tục hành chính cắt giảm, tích hợp gồm: Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; Tích hợp nhiều loại giấy phép về môi trường (Xác nhận hoàn thành công trình BVMT; giấy phép xử lý chất thải nguy hại...) vào một loại giấy phép môi trường.
Cụ thể, Luật BVMT năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm đáng kể TTHC cho doanh nghiệp. Cùng với đó, bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn tác động môi trường cho đến khi cấp GPMT đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường phối hợp của các cơ quan. Đối với giấy phép môi trường, đây là một sự cải cách hành chính chưa từng có khi 7 nội dung trước đây được đưa vào 1 giấy phép môi trường giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm thiểu đáng kể được các quy trình, thủ tục.
Về quy trình đánh giá tác động môi trường, Luật đã đưa ra những quy định đánh giá một cách thận trọng, cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí về môi trường. Với những điểm đột phá này, các thủ tục, hồ sơ sẽ giảm khoảng 50% thời gian giải quyết. Điều này mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, chất lượng môi trường sẽ được kiểm soát hơn nhiều so với trước đây.
Đối với công tác BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần lưu ý các điểm mới trong quy định của Luật BVMT năm 2020 như:
Ban hành Tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, đánh giá sơ bộ tác động môi trường
Luật đã ban hành một mục riêng (Mục 2, chương IV), bao gồm Điều 28 và Điều 29 quy định tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư, theo đó dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm (nhóm I, II, III và IV) để thực hiện các thủ tục pháp lý về BVMT theo quy định. Ngoài ra, Luật cũng quy định nhóm đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, là dự án đầu tư thuộc nhóm I quy định tại Khoản 3 Điều 28 của Luật , cụ thể như sau:
+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
+ Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
+ Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.
Bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước trong BVMT dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương
Luật BVMT năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giải phóng mặt bằng nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn đánh giá tác động môi trường cho đến khi cấp giải phóng mặt bằng đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan (Điểm d, Khoản 3 Điều 34).
Bên cạnh đó, Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (quy định hiện hành phân cấp các Bộ, ngành đều có thể thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường) đồng thời quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả (Khoản 3 Điều 35). Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.
Tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động BVMT
Vấn đề công khai thông tin đã được quy định xuyên suốt, thống nhất trong Luật BVMT năm 2020 theo các nội dung cụ thể về BVMT trong các Chương của Luật, cùng với một khoản riêng quy định việc cung cấp, công khai thông tin về môi trường. Đối với việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các vấn đề về tham vấn ý kiến đối với dự án, công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được quy định cụ thể tại các Điều 36, 37, 38, nhằm đảm bảo nguyên tắc BVMT theo quy định tại Điều 4. Luật cũng đã quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn ý kiến các bên có liên quan.
Giấy phép Môi trường
Luật BVMT năm 2020 ban hành một Mục riêng (Mục 4, chương IV) để quy định về Giấy phép môi trường (từ Điều 39 đến Điều 49). Theo đó, có 3 nhóm (nhóm I, II và III) quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường. Ngoài ra, cũng quy định các vấn đề về: Nội dung giấy phép môi trường; thẩm quyền cấp giấy phép; căn cứ và thời điểm cấp giấy phép; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép; cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, tước quyền sử dụng, thu hồi giấy phép môi trường; quyền, nghĩa vụ của chủ dự án được cấp giấy phép môi trường; trách nhiệm của các cơ quan cấp giấy phép môi trường,… Đặc biệt, Luật cũng quy định kể từ ngày Giấy phép môi trường có hiệu lực, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường thành phần hết hiệu lực (khoản 6, Điều 42).
Quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Luật BVMT năm 2020 đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn nhằm khắc phục tình trạng chôn lấp rác thải ở Việt Nam hiện nay còn cao chủ yếu do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý, Luật đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn do nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Tác giả: Hồng Cẩm
Nguồn tin: tapchimoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn