Đốt rơm rạ gây lãng phí, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường
Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo cấy cao, lạm dụng và sử dụng không đúng cách thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, đốt rơm rạ sau thu hoạch,… Để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm lượng khí phát thải nhà kính, tạo ra các sản phẩm gạo chất lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững cần tăng cường sản xuất lúa thân thiện với môi trường.
Hiểm họa với môi trường, sức khỏe con người
Theo số liệu của FAO năm 2018, tương ứng với sản lượng lúa gạo 42,8 triệu tấn sẽ tạo ra khoảng 56,6 triệu tấn rơm rạ và lượng đốt từ 45,2-50,9 triệu tấn. Quá trình đốt sinh khối trong nông nghiệp nói chung và đốt rơm rạ nói riêng đã được đánh giá làm phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí vào môi trường, nhanh chóng làm suy giảm chất lượng không khí tại địa phương, các quốc gia lân cận thậm chí trên toàn cầu. Thêm vào đó, quá trình đốt hở rơm rạ còn được chỉ ra có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người do quá trình đốt tạo ra các hợp chất có độc tính cao vào khí quyển. Các nghiên cứu hiện nay đã cho thấy, tác động sức khỏe của PM2.5 – một trong những sản phẩm được tạo ra trong quá trình đốt rơm. Cụ thể, tăng PM10 và PM2.5 lên lần lượt 66,5 µg/m3 và 39,4 µg/m3 thì nguy cơ nhập viện do bệnh viêm phổi ở trẻ dưới 18 tuổi tăng 5,6% và 5,3%. Ngoài ra, nếu nồng độ PM2.5 và PM1 tăng 34,4 µg/m3 và 29,8 µg/m3 thì nguy cơ nhập viện do bệnh suy tim ở người trưởng thành tăng 14,9% và 14,5%.
Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, nhưng nó cũng là “con dao 2 lưỡi” dẫn đến những hậu họa khôn lường, nhất là đối với sức khỏe con người và môi trường. Việc sử dụng hoá chất thuốc BVTV không an toàn sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bên cạnh đó, do hầu hết người dân không được trang bị bảo hộ lao động; vứt bừa bãi vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng, nương rẫy,... không những gây hại đến cây trồng, nguồn nước, tài nguyên đất mà những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là người sản xuất và người tiêu dùng.
Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất dầu sinh học, đệm lót sinh học trong chăn nuôi,… nhưng mới chỉ tận dụng được một số lượng nhỏ phế phẩm nông nghiệp, số lớn còn lại đang bị bỏ quên. Các vùng đồng bằng như: Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long có diện tích canh tác lớn (khoảng 7,5 triệu ha đất chuyên canh trồng lúa), do vậy, lượng chất thải nông nghiệp rơm, rạ thải ra hàng năm ước tính lên tới 76 triệu tấn. Đây chính là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường
Tìm giải pháp khoa học phù hợp
Những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực và về việc chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, nhiều chương trình nâng cao nhận thức đã được triển khai, nhưng trên thực tế tỷ lệ đốt vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong khuôn khổ nâng cao nhận thức về rủi ro môi trường và sức khỏe của hóa chất nông nghiệp và đốt ngoài trời ở Việt Nam thuộc Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt ngoài trời và sử dụng hoá chất BVTV trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện thông qua Liên minh Toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP), với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông nghiệp Vương quốc Anh (DEFRA) triển khai. Dự án đưa ra những đánh giá hiện trạng đốt rơm rạ và sử dụng hoá chất BVTV tại một số địa phương, tăng cường truyền thông, tăng cường năng lực thực hành nông nghiệp bền vững, nâng cao nhận thức về các rủi ro môi trường và sức khoẻ của hoá chất BVTV và đốt ngoài trời đến sức khoẻ, môi trường và đa dạng sinh học, hỗ trợ Việt Nam đáp ứng cam kết tại COP26.
Dự án đã đề xuất những mô hình giải pháp thay thế hoạt động đốt rơm rạ hiệu quả như: Sử dụng phân hữu cơ, cuộn rơm, giá thể trồng nấm rơm, làm thức ăn cho gia súc, làm than sinh học, làm nguyên liệu sản xuất giấy, hoặc vật liệu xây dựng,... Bên cạnh đó có nhưng mô hình thay thế nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc sử dụng hoá chất thuốc BVTV như: Sử dụng thuốc BVTV hữu cơ, vi sinh, sử dụng thiên địch, canh tác hữu cơ, sử dụng thiết bị bay không người lái. Kết quả của Dự án cũng nhằm hỗ trợ xây dựng và triển khai chính sách quản lý chất lượng không khí nhằm giảm nguy cơ tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của cộng đồng.
Nguồn tin: tainguyenvamoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn