Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo UBND TP về tình hình triển khai xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP.
Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở TP.HCM được đề xuất thực hiện theo hai giai đoạn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc xây dựng đề án kiểm soát khí thải là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan đã được Chính phủ giao triển khai tại các thành phố lớn.
Tại TP.HCM, nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đã có cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân dùng xe sử dụng năng lượng sạch và phân vùng một số khu vực để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông
Qua rà soát kết quả nghiên cứu chuyên đề của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM nhận thấy chưa đủ cơ sở báo cáo UBND TP trình HDND TP ban hành chính sách chuyển đổi xe điện trên địa bàn huyện Cần Giờ trong năm 2024. Lý do vì nghiên cứu chưa đủ luận cứ thuyết phục cơ sở chọn huyện Cần Giờ để triển khai trước.
Trong khi, khu vực trung tâm TP, sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái được đánh giá là có mức độ phát thải khí CO2 cao hơn.
Theo kinh nghiệm tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển phương tiện xe điện như Thụy Điển, Đức, Anh, Trung Quốc, họ đều chọn triển khai phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở vùng lõi (ở một khu vực nhỏ) để lan tỏa ra các khu vực xung quanh.
Đồng thời, loại hình được chọn chuyển đổi đầu tiên là xe công cộng, còn xe cá nhân sẽ triển khai sau cùng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, căn cứ theo quyết định của Thủ tướng và quy định tại nghị quyết số 98, xe buýt mới là đối tượng được ưu tiên (xe mô tô, xe ô tô cá nhân thực hiện sau). Do đó, chuyên đề đưa ra các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi chuyển đổi xe mô tô của người dân, hộ gia đình trên địa bàn huyện Cần Giờ là chưa phù hợp.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu cũng chưa đánh giá công tác tổ chức và kết nối giao thông khi triển khai thực hiện. Chưa đánh giá về hệ thống hạ tầng cho xe điện, trạm sạc, nguồn điện, nguồn nhân lực sửa chữa xe điện.
Bên cạnh đó, chưa xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển hạ tầng trạm sạc, thu đổi phương tiện, xử lý xe cũ. Chưa xác định rõ việc đầu tư, lắp đặt các trạm sạc điện thuộc trách nhiệm của Nhà nước hay của doanh nghiệp có xe điện...
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đề án kiểm soát khí thải cần được nghiên cứu thêm và phải làm rõ nhiều nội dung để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đúng quy định và phù hợp thực tiễn TP.
Trong đó, Sở thấy rằng cần thay đổi phương pháp tiếp cận, nghiên cứu để chuyển đổi phương tiện theo thứ tự ưu tiên phù hợp lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, theo quyết định của Thủ tướng và nghị quyết 98.
Vì vậy, sở đề xuất triển khai xây dựng đề án theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, Sở sẽ xây dựng đề án chuyên đề chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng xanh trên địa bàn TP để áp dụng từ năm 2025. Thời gian hoàn thành đề án trong tháng 10-2024.
Giai đoạn 2, Sở sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Trong đó, bao gồm các loại phương tiện giao thông đường bộ; các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình thực hiện chuyển đổi, các giải pháp triển khai thực hiện có phân vùng kiểm soát khí thải.
Đề án sẽ lấy ý kiến các sở ngành, các cơ quan trung ương, chuyên gia và tổ chức phản biện, đánh giá tác động. Sau khi hoàn thiện, đề án sẽ trình UBND TP để trình HĐND TP thông qua. Thời gian hoàn thành đề án trong quý 2-2025.
Chuyển giao việc chủ trì từ Viện Nghiên cứu phát triển sang Sở Giao thông vận tải
Để triển khai nhiệm vụ này, từ tháng 7-2023, UBND TP đã giao Viện Nghiên cứu phát triển TP chủ trì tham mưu, xây dựng đề án, làm cơ sở trình HĐND TP.
Tuy nhiên quá trình triển khai có nhiều nội dung chưa được làm rõ, cần nghiên cứu sâu và tổng thể hơn nên từ tháng 3-2024, TP đã giao Sở Giao thông vận tải TP.HCM là cơ quan chủ trì, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Trong báo cáo, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành xây dựng đề án. Tổ công tác có sự tham gia của các sở ngành, các viện, các trường đại học và các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực.
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn