Các chính sách về bảo vệ môi trường
Với 16 Chương, 171, Luật BVMT 2020 thể hiện rõ chính sách của nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.
Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.
Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường. Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Đồng thời Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Triển khai nhiều quy định mới mang tính đột phá
Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường. Mọi chế định đưa ra trong Luật đều bảo đảm “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá”. Điều này được thể hiện qua 9 nội dung mang tính đột phá quy định trong Luật.
Đó là, lần đầu tiên: Cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, phát huy vai trò của ‘cộng đồng dân cư’ trong các hoạt động bảo vệ môi trường; Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính; Định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, môi trường nước; Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải; Thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương; Chế định cụ thể về kiểm toán môi trường được quy định lần đầu nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp; Cụ thể hóa các quy định về ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước; Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; Tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên
Một điểm đột phá lớn không thể không nhắc đến, đó là, lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Điều này được thể hiện rõ, khi đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào Luật BVMT 2020, đưa các chức năng quản lý Nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ về Bộ TN&MT như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phân cấp đi đôi với phân quyền… Đồng thời, Luật cũng giải quyết được những chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về BVMT và Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, điển hình như quy định về tích hợp nội dung giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong GPMT.
Đáng chú ý, Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM. Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, đất, nước… Qua đó tạo hành lang pháp lý trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các kế hoạch, giải pháp quản lý môi trường, góp phần từng bước nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
Thông qua những quy định cụ thể về việc tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, việc phát sinh rác thải nhựa ra môi trường sẽ được hạn chế. Đặc biệt, việc phân loại rác thải từ nguồn (trước đây đã nhiều lần thất bại) tới đây chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực. Bởi lần đầu tiên Luật quy định phí xử lý rác thải được tính theo khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm….
Bên cạnh đó, Luật đã quy định buộc phải lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phát triển KT – XH; mở ra cơ hội để tài nguyên như đất, nước, rừng không bị hủy hoại, sử dụng lãng phí.
Những thay đổi mang tính đột phá trong luật sẽ giúp cắt giảm trên 40% TTHC, giảm thời gian thực hiện các TTHC từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí.
Những điểm đột phá trong Luật bảo vệ môi trường 2020 được đánh giá là khung pháp lý quan trọng để bảo đảm cho việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, không những ở khu vực dân cư mà còn những khu vực sản xuất tập trung và với những dự án, công trình lớn có thể gây ra những hậu quả, nguy cơ lớn và lâu dài về môi trường.
Xây dựng “hạ tầng” pháp lý vững chắc
Để chuẩn bị điều kiện triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, năm 2021, Bộ TNMT đã tập trung mọi nguồn nực xây dựng các các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, ngay sau khi Luật được thông qua, Bộ đã trình Thủ tướng, ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT 2020; tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ hồ sơ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT 2020. Đến nay, đã có 3 Nghị định, 1 Thông tư được ban hành. Đó là Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ TNMT cũng đã phối hợp với đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án tổng thể xây dựng, chuyển đổi hệ thống quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và các quy định mới tại dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm 14 QCVN)).
Để tạo nền tảng vững chắc khi triển khai Luật, TCMT cũng đã xây dựng trình Bộ trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030.
Tác giả: Linh Chi
Nguồn tin: monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn