Đó là một trong những đề xuất mà GS.TS Đinh Đức Trường - Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế quốc dân về giải pháp giảm thiệt hại về kinh tế trong ô nhiễm môi trường hiện nay.
Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trường nói: Chúng ta sẽ đưa ra cái quy phạm, tiêu chuẩn, định mức về mặt hành vi và yêu cầu người dân, doanh nghiệp trong xã hội phải tuân thủ và giám sát những hành vi đó, nếu có sự vi phạm sẽ có chế tài xử lý.
GS.TS Đinh Đức Trường - Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi Khí hậu và Đô thị, Trường Đại học Kinh tế quốc dân
PV: Thưa GS.TS Đinh Đức Trường, ông có thể đánh giá như thế nào với những tác động của ô nhiễm không khí đến phương diện kinh tế hiện nay?
Ô nhiễm môi trường không khí có rất nhiều tác động lớn đến nền kinh tế từ cấp độ vi mô đến vĩ mô. Ước tính mỗi năm, ô nhiễm không khí đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10 tỷ USD, chiếm từ 5-7% GDP.
Ô nhiễm không khí gây ra mức tổn hại lớn đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cơ hội tăng trưởng và việc làm trong nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, khi con người bị bệnh người ta tạo ra chi phí xã hội, họ phải bỏ tiền ra chữa bệnh, nghỉ việc và làm mất đi những chi phí về thu nhập xã hội cũng như mặt kinh tế cho xã hội. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí cũng tác động đến các nông nghiệp, làm ảnh hưởng hoạt động của cây cối, hệ sinh thái, làm suy giảm năng suất làm tổn hại kinh tế. Hiện nay Viêt Nam có thể suy giảm 10-15% năng suất so với bình thường do tác động ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng tạo ra những chi phí khác cho xã hội như các chi phí phòng tránh cho việc bảo vệ sức khoẻ con người như trang bị khẩu trang, các khu căn hộ trang bị nhưng thiết bị phòng tránh, các chi phí để làm sạch không khí, các loại thiết bị khác tạo ra chi phí xã hội gia tăng. Đồng thời, làm suy giảm cơ sở hạ tầng thông qua quá trình axit hoá tạo ra các chi phí xã hội.
Tuy nhiên, tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế của mỗi nhóm đối tượng sẽ khác nhau và điều đó quyết định bởi vấn đề kinh tế như chúng ta cùng sống ở thủ đô Hà Nội nhưng với những người có điều kiện hơn, họ được sinh sống ở những khu đô thị nhiều cây xanh, có hồ nước, có hệ sinh thái tốt thì sức khỏe họ cũng được nâng cao. Ngược lại, với những người thu nhập thấp, họ không có điều kiện và sinh sống ở những khu vực không hợp vệ sinh, những khu nhà gần khu công nghiệp.
PV: Hiện nay, chúng ta cũng đã dùng rất nhiều biện pháp để cải thiện vấn đề không khí cũng như giảm thiểu những thiệt hại về mặt kinh tế. Thế nhưng, kết quả chưa được như mong muốn, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề này?
Thứ nhất, bản chất mô hình tăng trưởng của Việt Nam là do các hoạt động kinh tế gây ra các vấn đề về ô nhiễm không khí. Chúng ta có thể thấy mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố bao gồm: Chuỗi giá trị toàn cầu và nguồn đầu tư.
Đối với chuỗi giá trị toàn cầu và làm chế biến, chế tạo, đây là ngành rất quan trọng trong việc đóng góp vào nền kinh tế và chiếm gần 30% cho GDP Việt Nam. Nhưng chế biến, chế tạo là ngành phải sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát thải lớn và có nhiều yếu tố liên quan, ảnh hưởng lớn đến chất lượng không khí hiện nay.
Đối với nguồn đầu tư, Việt Nam thu hút rất nhiều nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để phát triển kinh tế trong những thâp kỷ qua, không thể phủ nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đem đến rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Thế nhưng điều này cũng đánh đổi những vấn đề môi trường do các tiêu chuẩn môi trường của chúng ta chưa được chặt chẽ, chưa bắt kịp tiêu chuẩn môi trường quốc tế, ô nhiễm môi trường phát sinh chưa được xử lý triệt để.
Có thể thấy, để có được bầu không khí xanh, sạch đẹp cần phải có sự đầu tư, nhưng nhìn lại vốn đầu tư của Việt Nam với vấn đề ô nhiễm môi trường còn rất thấp. Theo ngân sách Việt Nam mỗi năm chỉ chi khoảng 1% ngân sách cho bảo vệ môi trường, con số đó còn nhỏ so với nhu cầu bảo vệ môi trường hiện nay đối với một đất nước đang phát triển.
PV: Theo ông, cần có những giải pháp nào để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí?
Chúng ta cần có những cam kết chính trị rất mạnh mẽ, để xử lý vấn đề ô nhiễm không chỉ là hô khẩu hiệu mà phải có những cam kết thực sự. Đồng thời, chấp nhận hy sinh một phần kinh tế để có thể đạt được các mục tiêu môi trường là quan điểm cần được cân nhắc; và chúng ta có thể học hỏi từ nước Trung Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái tạo ra thay đổi.
Hệ sinh thái ở đây là các nền tảng tạo ra sự đồng bộ giữa các bên liên quan và các hoạt động có sự khớp nối với nhau hướng đến mục đích suy giảm ô nhiễm không khí. Ví dụ sự thay đổi trong phương tiện giao thông và hành vi người dân thay đổi. Tất cả đều nằm trong tầm nhìn và hệ sinh thái được hỗ trợ của chính quyền địa phương và Trung Ương.
Hiện nay Việt Nam vẫn còn hạn chế trong sự phối hợp giữa các ban, ngành địa phương, sự tham gia của các bên liên quan vẫn còn chưa đồng nhất và sự đầu tư giữa các nhóm đối tượng khác nhau cho ô nhiễm môi trường, chưa mang sự tổng thể và kết nối.
Đồng thời, cần chuyển đổi giao thông truyền thống sang giao thông xanh, chuyển đổi các năng lượng sạch hơn, đầu tư cho hệ thống giám sát, không chỉ những hệ thống giám sát truyền thống, mà là những hệ thống về viễn thám, cảng biển, camera hiện đại ở mọi nơi để phát hiện được nguồn gây ô nhiễm để ngay tức có sự xử lý và dập ngay những nguồn đó. Tạo ra những cái vùng an toàn về mặt ô nhiễm không khí. Căn cứ tình hình thực tế, sử dụng các nguồn lực huy động để giám sát, gắn ô nhiễm với những người đứng đầu, tạo ra những sự thay đổi kinh tế cũng trách nhiệm đối với môi trường.
Ảnh minh hoạ
Bên cạnh đó, chúng ta có thể tạo ra hệ thống thay đổi hành vi của mọi người bao gồm cả doang nghiệp, cá nhân trong xã hội. Đó là áp dụng hệ thống các công cụ mang tính chất mệnh lệnh kiểm soát, đưa ra cái quy phạm, tiêu chuẩn, định mức về mặt hành vi và yêu cầu những con người, doanh nghiệp trong xã hội phải tuân thủ và giám sát những hành vi đó, nếu có sự vi phạm sẽ có chế tài xử lý.
Đồng thời, đưa ra những công cụ đánh vào động cơ kinh tế của các cá nhân, doanh nghiệp để hướng hành vi của họ theo hướng bảo vệ môi trường như doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ đánh thuế thêm thì họ sẽ phải cân đối bài toán giữa xả thải thêm hay phải nộp thêm thuế, điều đó sẽ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hơn cho công nghệ thân thiện với môi trường và cũng làm giảm thiểu những thiệt hại tới môi trường.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguồn tin: baotainguyenmoitruong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn