Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Ngành TN&MT sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ hai - 10/01/2022 05:29
Phát biểu kết luận Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021 và tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2022, nhằm tạo động lực góp phần phát triển kinh tế -  xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngành TN&MT đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2022, góp phần phát triển đất nước
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị ngành TN&MT đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2022, góp phần phát triển đất nước

Ngành TN&MT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, ngành Tài nguyên và Môi trường là một ngành có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý tài nguyên, nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng, trong đó, có Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV; kiện toàn lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương; năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đặc biệt, chúng ta triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng, hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và mọi mặt đời sống của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự giám sát hiệu quả của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã từng bước vượt qua khó khăn, kiểm soát dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% (trong đó, xuất khẩu tăng 19%); thu ngân sách vượt kế hoạch trên 10%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được quan tâm.

Bày tỏ thống nhất với báo cáo của ngành Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đột phá về thể chế chính sách, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tích cực triển khai và đã đạt được kết quả rất quan trọng. Năm 2021, Bộ đã rà soát 440 văn bản quy phạm pháp luật và các quy định của ngành; xây dựng và trình Chính phủ ban hành 7 Nghị định, 2 Nghị quyết chuyên đề, ban hành theo thẩm quyền 21 Thông tư hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý biển đảo, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn,… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen của Thủ tướng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về thành tích xuất sắc trong triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Cùng với đó, năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021). Đây là Quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 trên tất cả các lĩnh vực.

“Tôi đánh giá cao Bộ Tài nguyên Môi trường, chỉ trong thời gian rất ngắn, trong điều kiện các thủ tục đầu tư liên quan tới đấu thầu, đầu tư công còn phức tạp, nhưng các đồng chí đã phát huy tinh thần trách nhiệm, có nhiều cách làm sáng tạo, quyết tâm hoàn thành Quy hoạch đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Về quản lý đất đai, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, công tác thu hồi đất, giao đất được thực hiện kịp thời đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông,... Vì vậy, năm 2021 mặc dù là năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song thu ngân sách từ đất đai vẫn đạt trên 172 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng thu ngân sách.

Nguồn thu ngân sách từ đất đai đã góp phần quan trọng để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2021 (năm 2021, thu ngân sách vượt 10%).

Đồng thời, trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra các dự án, thanh tra kiểm tra việc quản lý sử dụng đất đã tiến hành thu hồi 7.700 ha đất sử dụng không đúng mục đích, chậm đưa vào khai thác, vi phạm các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho các địa phương sớm đưa quỹ đất vào khai thác, sử dụng đúng hiệu quả.

Công tác đo đạc bản đồ, cắm mốc để phân định ranh giới các loại đất đã được triển khai bảo đảm hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên, khoáng sản.

Đặc biệt, là việc thực hiện nhiệm vụ cắm mốc biên giới quốc gia trên đất liền đạt nhiều kết quả rất tích cực. Tới thời điểm hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã hoàn thành phân giới cắm mốc với Trung Quốc, Lào; riêng Campuchia đã hoàn thành 84%. Việc sớm hoàn thành cắm mốc biên giới trên đất liền có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tạo ra môi trường để phát triển ổn định, hòa bình, hợp tác giữa các quốc gia.

Bộ Tài nguyên Môi trường đã hoàn thành trình Bộ Chính trị Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị và đã được Bộ Chính trị thông qua ngày 30/12/2021 với nhiều giải pháp quản lý khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản trong giai đoạn tới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 5 tập thể: Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Công tác khảo sát địa chất, điều tra khoáng sản được quan tâm. Theo đó, đã lập bản đồ khoáng sản đạt 73,19% tổng diện tích đất liền và 244.000 km2 vùng biển. Đã phát hiện ra một số loại khoáng sản như kim loại quý, đất hiếm tại một số địa phương ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ… góp phần làm phong phú nguồn tài nguyên phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như quy hoạch, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao Bộ Tài nguyên Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, các ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP qua đó đã tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công. Cụ thể, trong vòng 3 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề, từ chỗ thiếu 65 triệu m3 vật liệu xây dựng, tới nay cơ bản đảm bảo trên 50 triệu m3.

Năm 2021, cũng như giai đoạn vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất quan tâm tới việc quản lý và khai thác không gian biển, vùng bờ để phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Bộ đã trình, được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo năm 2015, Chiến lược phát triển kinh tế biển năm 2018, trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định quy định về quản lý biển, vùng bờ, quản lý môi trường biển. Trên cơ sở đó, đã tạo điều kiện thuận lợi các ngành, các địa phương phát triển kinh tế biển. Các địa phương có biển trong giai đoạn vừa qua đều khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của biển, một số địa phương đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhấn trong năm 2021, Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ các giải pháp mang tính chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, thiết lập hành lang pháp lý cho công tác quản lý Nhà nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đặc biệt, đã chủ động nắm bắt xu thế toàn cầu để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, công tác khí tượng thủy văn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Bộ đã trình cấp có thẩm quyền và được Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 29/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác khí tượng thủy văn với nhiều nhiệm vụ giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai năm 2021 bảo đảm kịp thời, chính xác, sát với diễn biến tình hình thiên tai đã giúp cho công tác phòng chống thiên tai được thực hiện có hiệu quả.

Năm 2021, số người chết giảm hơn 200 người và thiệt hại kinh tế giảm gần 40.000 tỷ đồng so với năm 2020. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, có sự đóng góp quan trọng của ngành khí tượng thủy văn.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, những kết quả nổi bật trên trước hết là do sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2022

Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2022

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế như báo cáo tổng kết đã nêu. Đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới, nhất là một số tồn tại hạn chế liên quan tới quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thủ tục hành chính.

Năm 2022 là năm phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ đã đưa ra mục tiêu năm 2022 phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 – 6,5% và nhiều chỉ tiêu khác đều ở mức cao với quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026.

Cơ bản đồng tình với các mục tiêu và các nhóm nhiệm vụ giải pháp ngành Tài nguyên và Môi trường đã nêu trong Báo cáo và tại Hội nghị hôm nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. Theo đó, ngành Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo chuẩn bị đảm bảo chất lượng Đề án tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai để trình Bộ Chính trị và Trung ương theo đúng tiến độ. Đồng thời chuẩn bị xây dựng Đề án sửa đổi Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội trong năm 2022.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Nội dung Luật Đất đai được sửa đổi liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giá đất và vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất... hiện nay, đang gặp nhiều vướng mắc. Các quy định pháp luật mới về đất đai sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt này, tạo ra động lực mới thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025. Trên cơ sở phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 2021-2025 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn, giải thích cho các Bộ ngành địa phương về tiêu chí, tiêu chuẩn, các quy định sử dụng đất bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương.

Đối với các địa phương, khẩn trương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các ngành, địa phương tập trung rà soát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh, các dự án có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trên nguyên tắc, các dự án vi phạm vừa phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật vừa phải có giải pháp để triển khai các dự án nhằm giải phóng nguồn lực cho xã hội. Hiện nay số lượng dự án tồn đọng cần xử lý ở các địa phương rất lớn, có những địa phương có hàng nghìn dự án ngưng trệ không triển khai, chiếm dụng hàng ngàn héc ta đất, lãng phí rất lớn.

Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đẩy mạnh công tác điều tra đánh giá trữ lượng khoáng sản, nhất là khoáng sản chiến lược, quan trọng trên biển và đất liền; trước mắt trong năm 2022 phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng phục vụ cho xây dựng các tuyến cao tốc.

Đến 2030, chúng ta phải đầu tư xây dựng để đạt 5.000 km cao tốc, cần hàng tỷ m3 đất đắp. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là vừa phải bảo đảm đủ vật liệu cho xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia vừa phải bảo đảm gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Khẳng định kinh tế biển có vai trò rất quan trọng và có tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp, du lịch, đô thị, vận tải biển, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung triển khai sớm hoàn thành Quy hoạch không gian biển và vùng bờ giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là Quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển trong giai đoạn tới bảo đảm hiệu quả, vừa khai thác tiềm năng thế mạnh của biển vừa bảo vệ môi trường biển.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, để bảo đảm phát triển bền vững, cùng với việc định hướng, lựa chọn công nghệ hiện đại trong phát triển các ngành kinh tế trong giai đoạn tới, ngành Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện thật tốt việc kiểm soát xả thải và xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện nhiệm vụ này cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và phải có biện pháp để kiểm soát xả thải trên thực tế. Trên thực tế, nhiều nhà máy có công nghệ hoàn toàn kiểm soát được khí thải, chất thải, xả thải, nhưng nếu không có sự kiểm tra, giám sát, thì các nhà máy này rất dễ vi phạm nhằm tiết kiệm chi phí. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có giải pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để quan trắc, giám sát, kiểm soát hiệu quả xả thải ra môi trường.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26, cần chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch, chương trình, hiện thực hóa mục tiêu này”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt ra yêu cầu.

Trước hết, cần xác định các ngành, lĩnh vực phải chuyển đổi công nghệ, cơ chế chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ để chuyển đổi công nghệ. Quan điểm chỉ đạo chung của Chính phủ là ưu tiên nguồn lực, khẩn trương chuyển đổi các ngành, lĩnh vực sản xuất sang công nghệ sạch, thân thiện môi trường (năng lượng, vận tải, vật liệu xây dựng,…)

Toàn cảnh Hội nghị 

Quan tâm hơn nữa, nâng cao chất lượng công tác dự báo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị, mạng lưới khí tượng thủy văn, đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm công tác dự báo chính xác, nhất là trong công tác phòng chống thiên tai.

Tiếp tục thực hiện đột phá về thể chế chính sách, thực hiện rà soát các quy định pháp luật (các Luật, Nghị định, Thông tư) để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phân cấp phân quyền mạnh hơn, cải cách thủ tục hành chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Với bề dày truyền thống vẻ vang của ngành Tài nguyên và Môi trường, tôi tin tưởng rằng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao Bằng khen của Thủ tướng cho Bộ Tài nguyên và Môi trường về thành tích xuất sắc trong triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 5 tập thể: Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường; Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường; Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Nguồn tin: vea.gov.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây