Bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030

Thứ sáu - 26/11/2021 08:24
Vùng đất ngập nước phải được bảo tồn, sử dụng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và tuân thủ các nghĩa vụ thành viên tại các Công ước quốc tế.
 Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030
 Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030

Đây là mục tiêu chung của Chỉ thị số 1975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành  “Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030”.

Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có 15 khu Ramsar

Ngoài mục tiêu chung, Chỉ thị đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); 70% các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đồng thời, sẽ hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng; tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc.

Vào năm 2030, số lượng các khu Ramsar sẽ tăng lên 15 khu. Bên cạnh đó, tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar…

Những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể

Để đạt những mục tiêu này, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước. Trong đó tập trung xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên toàn quốc; Xây dựng tài liệu hướng dẫn cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tại các vùng đất ngập nước quan trọng; Xây dựng cơ chế kiểm soát việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng đất ngập nước quan trọng.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước. Chú trọng đến nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý đa dạng sinh học, đất ngập nước từ trung ương tới địa phương; đa dạng hóa phương thức đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đất ngập nước các cấp; ưu tiên cho cán bộ quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar, đặc biệt tại các vùng đất ngập nước quan trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng đất ngập nước quan trọng trong đô thị nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, cần đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;Xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, bồi hoàn đa dạng sinh học, cơ chế chia sẻ lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng và các cơ chế tài chính khác; Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế đầu tư cho các dự án về bảo tồn đất ngập nước, hoạt động về tuyên truyền cho công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước...

 

Tác giả: Phạm Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây