Thử nghiệm thành thạo (TNTT) là phương thức đánh giá năng lực PTN bằng cách so sánh kết quả thực hiện các phép đo hoặc phép thử giữa các PTN trên cùng một mẫu thử hoặc trên các mẫu thử tương tự nhau trong những điều kiện đã được định trước. Nói cách khác, các PTN khi tham gia một chương trình TNTT sẽ được gửi các mẫu thử như nhau để phân tích một hoặc một vài chỉ tiêu và Ban tổ chức sẽ dựa vào kết quả phân tích này để đánh giá sự thành thạo trong việc thực hiện phép thử đó của PTN.
Đơn vị tổ chức hay nhà cung ứng TNTT phải là một tổ chức độc lập có trách nhiệm và vai trò trong việc xây dựng, vận hành chương trình. Đơn vị tổ chức TNTT phải áp dụng ISO/IEC 17043:2010 hoặc các tiêu chuẩn khác tương đương và được công nhận bởi một cơ quan công nhận. Toàn bộ các thông tin về việc tham gia chương trình TNTT của các tổ chức tham gia được bảo mật bằng cách mã hoá mỗi PTN trong báo cáo kết quả chương trình.
Tóm lại, thử nghiệm thành thạo (Proficiency testing) là đánh giá việc thực hiện của các bên tham gia theo tiêu chí đã được thiết lập thông qua các so sánh liên phòng. Còn So sánh liên phòng (Interlaboratory comparison) là việc tổ chức, thực hiện và đánh giá các phép đo hoặc phép thử trên cùng mẫu thử hoặc trên mẫu thử tương tự nhau bởi hai hay nhiều phòng thí nghiệm theo những điều kiện xác định trước
Lợi ích của thử nghiệm thành thạo
TNTT là một trong các phương thức nhằm đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm. Với mục đích của chương trình để đánh giá mức độ thành thạo của cán bộ phân tích kiểm nghiệm và năng lực của một PTN so với mặt bằng năng lực chung của các PTN khác, giúp các PTN kiểm soát, phát hiện các vấn đề không phù hợp nếu có, từ đó có hành động khắc phục phòng ngừa để cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo ISO/IEC 17025. Đạt kết quả tốt khi tham gia các chương trình TNTT sẽ cung cấp bằng chứng độc lập, khách quan chứng minh độ chính xác trong các kết quả thử nghiệm đối với các bên quan tâm.
Hiện nay, yêu cầu về việc tham gia TNTT được các cơ quan công nhận ISO/IEC 17025:2017 và các cơ quan chỉ định (cơ quan thẩm quyền tại Việt Nam) đặc biệt chú trọng. Nhiều tổ chức công nhận và tất cả các cơ quan chỉ định yêu cầu phòng thử nghiệm phải tham gia TNTT và có kết quả đạt trước khi đăng ký xin công nhận.
Những tin mới hơn